Tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn có một mô hình trồng cây có múi theo hướng hữu cơ của gia đình ông Trần Đình Én. Dù quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nhà vườn chưa bao giờ lâm vào cảnh được mùa mất giá và không tìm được đầu ra.
Bưởi diễn, bưởi da xanh, bưởi đào đường, cam lòng vàng các loại được trồng trong trang trại hơn 2ha này. Vườn bưởi đang trong quá trình chuẩn bị cho thu hoạch. Dưới tán cây bưởi, các loại cỏ mọc xanh tốt nhưng chủ vườn vẫn không hề lo lắng đi làm sạch chúng. Đó là nhờ vào hình thức canh tác đặc biệt theo hướng hữu cơ. Toàn bộ các loại cỏ trong vường bưởi đều được ông Én chủ động giữ lại, các loại cỏ này không có hại ngược lại giúp ích cho cây: giúp cây giữ độ ẩm, khi cắt tỉa cỏ lượng cỏ này lại được sử dụng làm phân bón hữu cơ ngay cho cây trồng trong vườn.
Ông Trần Đình Én – xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cho biết, gia đình ông đã canh tác theo hướng hữu cơ được 5 năm, toàn bộ diện tích cam bưởi của gia đình đều là cây bưởi lâu năm từ 16 - 20 năm, tán lá, gốc rễ cây đều đang phát triển khỏe mạnh. Hiện tại, những cây bưởi trên 16 năm có thể mang 150-200 quả/cây/năm, quả nào quả đấy to đều và đạt chất lượng cao. Mặc dù mức độ khai thác cao như vậy nhưng toàn bộ cây trong vườn đều sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngày càng tăng và không hề có dấu hiệu sụt giảm về năng suất, cũng như xuất hiện tượng hư hỏng cây như nhiều nhà vườn khác.
Nức tiếng trong vùng về vườn cây có múi hữu cơ, nhắc đến vườn bưởi ngon đẹp trong vùng thì ai nấy đều biết “vườn bưởi ông Én”, đến vụ thu quả thương lái đều về đặt mua từ rất sớm để giữ hàng bán tết. Hiện tại với diện tích 2,5ha đang đi vào sản xuất ổn định, dự tính mỗi năm gia đình ông Én cho thu hoạch 35.000 quả bưởi diễn, 10.000 quả bưởi da xanh, 5-7 tấn cam lòng vàng với giá bán: 25.000 đồng/quả bưởi diễn; 35.000 đồng/kg bưởi da xanh; 25.000 đồng/kg cam lòng vàng. Trang trại bưởi hữu cơ Trần Én thu về từ 2-3 tỷ đồng/năm – một mức thu nhập bền vững nhờ trồng cây có múi theo hướng hữu cơ.
Đến thăm trang trại cây có múi của anh Đặng Thành Vinh xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn – một trong nhiều hộ sản xuất cam canh hữu cơ tiêu biểu. Anh Vinh cho biết: trồng cam canh theo hướng hữu cơ tức là không sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng phân hóa học. Chính vì vậy, khi mới chuyển đổi từ canh tác có sử dụng hóa chất sang canh tác hướng hữu cơ cần phải có 2 năm làm quen chuyển đổi dần dần từng chút một. Không nên cắt hẳn lượng phân bón hóa học, tránh gây hiện tượng sốc cho cây trồng. Khi chuyển đổi có thể áp dụng cắt giảm dần lượng bón cũng như thuốc BVTV với cây. Đối với các loại phân hữu cơ có thời gian hấp thu chậm hơn, trước mỗi giai đoạn phân cần điều chỉnh lịch bón sớm hơn 5-10 ngày để cây có thể hấp thụ dinh dưỡng kịp thời. Sau 2 năm đầu chuyển đồi cây đã bắt đầu quen dầm với canh tác hữu cơ, bộ rễ, thân lá phát triển ổn định kết hợp với việc không sử dụng thuốc BVTV hóa học môi trường được cải thiện, hệ sinh thái trong vườn cây được cân bằng trở lại nên đối tượng rầy, rệp, nhện đỏ trong vườn cũng giảm mạnh và dễ dàng kiểm soát được.
Theo bà Đặng Thị Minh Huệ - Cán bộ kỹ thuật TTDVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn từ năm 2020 đến nay, TTDVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cũng như nhiều cơ quan ban ngành đã triển khai nhiều mô hình sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ, canh tác bền vững. Đến nay, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ này đã có hiệu quả rõ rệt về tốc độ phát triển, năng suất đều ổn định không còn hiện tượng “đơ” cây. Chính vì vậy, từ trên 10ha mô hình trình diễn đến nay Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện đã triển khai thêm được trên 40ha. Ngoài ra, còn có nhiều hộ trong huyện tự học hỏi làm theo áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích cây có múi của gia đình.
Nhờ việc kiên trì, đam mê với cây có múi và chiến lược dài hạn sản xuất hữu cơ triệt để đã giúp một số hộ trồng cây có múi trên địa bàn huyện gặt hái được nhiều thành công. Sự thành công của các mô hình này chính là minh chứng rõ ràng giúp các hộ sản xuất cây có múi có thể yên tâm đầu tư sản xuất theo.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/