Các hộ nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật và nhận hỗ trợ từ Nhà nước với 50% vật tư gồm phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Họ cũng được tham gia chương trình cơ giới hóa đồng bộ, bao gồm ứng dụng công nghệ mạ khay – máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, và hỗ trợ liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, ứng dụng mạ khay và máy cấy lúa đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Cây lúa sinh trưởng tốt, tiết kiệm thóc giống, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng mạ, và hạn chế sâu bệnh hại.
Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ KTNN huyện Hiệp Hòa, UBND xã Mai Trung và bà con nông dân tham gia mô hình, ông Đào Xuân Vinh cho biết: "Hiện nay, lực lượng lao động lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu hụt, nên việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu. Ứng dụng mạ khay – máy cấy đem lại hiệu quả thật sự, bà con đỡ vất vả hơn nhiều. Đề nghị địa phương và bà con nông dân tham gia mô hình chỉ đạo, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để đạt kết quả tốt, làm cơ sở nhân ra diện rộng."
Đây là mô hình điểm, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và cơ giới hóa, liên kết sản xuất để nhân rộng. Trung tâm Khuyến nông sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền và hội thảo để lan tỏa mô hình này, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa. Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa sẽ giải phóng sức lao động, ứng phó với việc chuyển dịch lực lượng lao động sang công nghiệp, đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Một số hình ảnh kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp sơ chế, chế biến
Lê Giang
Nguồn: https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/