Ngày 13/8, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu nguyên nhân mất mùa vải thiều năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và giải pháp khắc phục. Đồng chí Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội thảo.
Đ/c Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội thảo
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Cục Trồng Trọt; Cục Bảo vệ thực vật; Viện nghiên cứu rau quả; Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND huyện, Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp, Ban Thường vụ Hội sản xuất tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn, cùng đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đại diện phòng chuyên môn của sở KH&CN cho biết: vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang, có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, giá trị sản xuất của vải thiều ước đạt khoảng 4.000 - 4.500 tỷ đồng. Những năm qua, vải thiều Bắc Giang thực sự đã khẳng định được lợi thế về chất lượng, tạo thương hiệu uy tín, giá trị trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, năm 2024, công tác sản xuất gặp nhiều khó khăn, tổng sản lượng vải thiều sụt giảm so với trung bình nhiều năm, đạt 85,7% so với kế hoạch và bằng 42,5% so với năm 2023. Trong đó, tại riêng huyện Lục Ngạn- nơi có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh, sản lượng đạt 52.992 tấn (giảm 75.128 tấn so với năm 2023).
Sự sụt giảm sản lượng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nhất là người trồng vải và các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Năm 2024, giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng bằng 84% so với năm 2023. Do vậy, hội thảo được tổ chức với mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất xác định chính xác và đầy đủ nguyên nhân khiến vụ vải thiều năm 2024 mất mùa, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp đảm bảo năng suất, sản lượng vải thiều trong các năm tiếp theo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đã có những phân tích, đánh giá, nhìn nhận các yếu tố khách quan, chủ quan dẫn đến sự sụt giảm năng suất vụ vải năm 2024 dựa trên cơ sở khoa học. Qua đó đi đến nhận định cho rằng, hiện tượng mất mùa vải do nhiều yếu tố tác động, trong đó sự biến đổi khí hậu, các tác động tiêu cực của thời tiết thường xuyên xảy ra ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vải nói riêng. Cụ thể, nền nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm gần đây khoảng 1,50C; các đợt rét đậm đến muộn, thời gian rét ngắn làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa của cây vải đặc biệt là trà vải chính vụ.
Yếu tố sinh trưởng, phát triển của cây vải cũng là một trong những nguyên nhân, cụ thể, trong 3 năm được mùa liên tiếp, cây vải nếu không được chăm sóc tốt sẽ dẫn đến suy kiệt, nhất là đối với giống vải chính vụ và vườn vải lâu năm (20-30 năm tuổi) làm ảnh hưởng đến sự thành thục các đợt lộc, quá trình phân hóa mầm hoa và ra hoa vụ vải năm 2024.
Bên cạnh đó, các yếu tố lượng mưa/độ ẩm, ánh sáng, cơ cấu giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác như: cắt tỉa, xử lý ra hoa, tưới nước, cách bón phân không cân đối, bón nhiều phân đạm hoặc phân NPK có hàm lượng đạm cao trong giai đoạn phát triển lộc dẫn đến hiện tượng cây phát triển dinh dưỡng mạnh hơn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình ra hoa, đậu quả không thuận lợi…
TS. Nguyễn Văn Dũng, Viện nghiên cứu Rau quả phát biểu góp ý tại hội thảo
Trên cơ sở phân tích, nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến mất mùa vụ vải năm 2024, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp khắc phục như: mở rộng diện tích vải chín sớm do đặc thù giống vải này phản ứng điều kiện lạnh để phân hóa mầm hoa, ra hoa ít chặt chẽ hơn vải chính vụ; đánh giá tính thích ứng của một số giống vải mới; với cây vải già cần xác định chu kỳ đốn đau tạo cành tái sinh là 1, 2 hay 3 năm/lần để có khả năng phục hồi cho năng suất và chất lượng; có kế hoạch trồng thay thế diện tích vải già cỗi bằng giống vải mới, giống vải chín sớm; tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá tương quan về sự ra hoa, đậu quả của từng giống vải chủ lực với điều kiện khí hậu, thời tiết, từ đó, đề xuất giải pháp kỹ thuật khắc phục mang tính chủ động trên cơ sở làm tốt công tác dự báo và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất như cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trên vải…
Đ/c Nguyễn Phúc Thương phát biểu kết luận
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, sở sẽ tổng hợp toàn bộ các ý kiến góp ý từ các chuyên ra và đưa ra những căn cứ khoa học để có những đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Bắc Giang, các cơ quan chuyên môn liên quan và chính quyền địa phương giải pháp cụ thể đảm bảo năng suất, sản lượng vải thiều trong thời gian tiếp theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Cùng đó, đồng chí đề nghị UBND huyện Lục Ngạn đề xuất nhiệm vụ khoa học về nghiên cứu, điều tra khảo sát đánh giá tổng thể về cây vải thiều Lục Ngạn, từ đó tìm ra các kỹ thuật canh tác phù hợp để áp dụng nhằm khắc phục hiện tượng mất mùa vải trong thời gian tới./.
HT