Nhằm chuyển giao và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn bằng các giống mới có năng suấtchất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn hướng tới quản lý rừng bền vững bằng giống keo lá tràm mô dòng AA9 tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tổng diện tích 38ha.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra rừng sau trồng
 

Theo đó, 15 hộ dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 70% phân bón NPK Lâm Thao 5-10-3, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, Trung tâm đã cung ứng 66.880 cây keo giống cho các hộ, hướng dẫn người dân trồng đảm bảo mật độ trồng chính 1.600 cây/ha, trồng dặm bổ sung 160 cây/ha. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, chỉ đạo mô hình.

Ưu điểm nổi bật của giống keo lá tràm mô dòng AA9 có hệ rễ cây con khỏe mạnh hơn hẳn so với cây keo lai giâm hom, thân cây dẻo dai giảm thiểu được tính đổ ngã.

Cây giống được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy mô, bảo quản trong phòng kỹ thuật nên khi đưa ra hiện trường trồng rừng cây con ít bị sâu bệnh hại tấn công, tỷ lệ sống cao giúp giảm chi phí trong quá trình trồng rừng. Cây sinh trưởng và phát triển nhanh do đó rút ngắn chu kỳ kinh doanh cho việc trồng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn mang lại “lợi ích kép” không chỉ nâng cao  hiệu quả kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ đất, giữ nước, đặc biệt với cây keo là cây họ đậu, bộ rễ cố định đạm tạo thành chất mùn, đất đai sẽ được tái tạo tốt hơn.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/