Ngày 8/9/2022, tại thôn Đồng Phúc – xã Kim Sơn, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Kim Sơn tổ chức Hội thảo thảo trồng rừng kinh tế bằng giống Keo tai tượng hạt ngoại. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện, UBND xã, thôn và các hộ nông dân làm nghề trồng rừng của các xã Kim Sơn, Biển Động và Tân Hoa.

Các đại biểu tham quan mô hình

Với mục tiêu giới thiệu và quảng bá mô hình trồng rừng thâm canh loài cây keo hạt ngoại, tăng hiệu quả kinh tế và hướng đến phát triển trồng rừng kinh tế mang lại giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2020, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế bằng giống Keo tai tượng hạt ngoại tại xã Kim Sơn với diện tích 5 ha, với 2 hộ tham gia.

Ông Lương Văn Phượng, thôn Đồng Phúc cho biết, “tham gia mô hình, gia đình tôi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng. Từ khâu cây giống, phân bón bảo đảm chất lượng; thời vụ trồng rừng thích hợp và thuận lợi... Vì vậy, cây keo Tai tượng hạt ngoại sinh trưởng  nhanh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Sau hơn 2 năm, tỷ lệ sống đạt 95%, chiều cao trung bình đạt 6-7 m, đường kính trung bình đạt 8-9 cm. Mô hình bước đầu đã thuyết phục được người dân chúng tôi”.

Dự kiến sau 1 chu kỳ 7 năm, cây Keo tai tượng hạt ngoại được trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật có khả năng đạt sản lượng 120 tấn/ha; với đơn giá thời điểm hiện tại 1.200 đ/kg thành phẩm làm nguyên liệu giấy; sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng gần 104 triệu đồng/ha;

Cây keo tai tượng là loại cây không kén đất, khả năng tái tạo dinh dưỡng cho đất lớn. Việc trồng cây keo Tai tượng hạt đã tạo ra lớp thực bì giữ độ ẩm, giúp cải tạo tăng độ phì cho đất, các nốt sần bộ rễ cây keo có tác dụng cố định đạm làm giàu dinh dưỡng cho đất tăng khả năng canh tác bền vững; khai thác thân gỗ làm giấy hoặc chế biến đồ gỗ chắc bền hơn so với giống keo nội. Do đó, việc trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh cây keo tai tượng sẽ là mô hình không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tiếp thu các ý kiến góp ý, tham luận tại cuộc Hội thảo. Đồng thời đề nghị, UBND huyện, các công ty, đơn vị ngoài huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình lâm nghiệp bằng các giống cây năng suất, chất lượng cao trong những năm tới. Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi lợi ích trồng rừng đến nhân dân.  Xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại địa phương để cung cấp giống cây cho nhân dân trồng rừng. Các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tốt về chất lượng, nguồn gốc giống cây lâm nghiệp nhằm phục vụ người dân những nguồn giống cây lâm nghiệp tốt nhất để thu nhập từ trồng rừng kinh tế sẽ giúp các hộ dân dần từng bước xoá đói giảm nghèo và có tích luỹ để tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/