Tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp xuất hiện một giống cam đào (ruột đỏ như chanh đào) chất lượng thơm ngon, màu sắc lạ mắt, không hột, thu hút nhiều nông dân đến tham quan và tìm hiểu.
Theo lời người bán giống, cam có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có tên là Cara, ông mua trực tiếp từ Thái Lan về trồng, thấy cây phát triển mạnh, năng suất cao nên mới phổ biến cho nhiều người cùng trồng.
 
Anh Sơn đã nhân giống trồng được 1.500 cây trên diện tích 8.000m2, đang cho trái 50 cây, số còn lại sẽ thu hoạch trong năm tới.
 
Theo anh, loại cam ruột đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc hơn các loại cam xoàn, cam dây vì cây phát triển mạnh, sức đề kháng cao, ít sâu bệnh, ít dùng thuốc, năng suất lại cao, bình quân một cây 3 năm tuổi (cây chiết) có thể cho 50 kg trái/cây.
 
Ưu thế của cam ruột đỏ là giá cao, bình quân mỗi ký từ 38.000 – 60.000đ tùy thời điểm, cao nhất là dịp tết. Đặc biệt loại cam này ra trái quanh năm, mỗi năm có thể thu hoạch ba, bốn lần. Vỏ cam lúc đầu có màu xanh, khi già chuyển dần sang màu vàng. Về chất lượng, cam có mùi vị thơm ngon, ngọt thanh, chua nhẹ, tép mọng nước.
 
Taị hội thi “Trái ngon - an toàn Nam Bộ” lần thứ 9 tại TP. Hồ Chí Minh, anh Sơn đã đoạt giải “Củ - quả lạ - hiếm”. Nhờ vậy mà nhiều địa phương đã tìm đến nhà anh để mua cây giống.
 
Theo kinh nghiệm cuả anh, loại cam này chiết cành không kết quả, một là cây mẹ sẽ mất sức, hai là cây chiết trồng không phát triển, hao hụt nhiều. Vì thế anh đã hợp đồng với các vườn cây giống ở Bến Tre để ghép mắt. Cây ghép chỉ sau 2 năm chăm sóc là cho trái chín.
 
Năm vừa qua anh bán được 8.000 cây giống với giá 25.000đ/cây (trừ hết chi phí còn lời 50%). Từ kết quả đó, với 50/1.500 cây cam ruột đỏ đang cho trái, cộng với tiền bán cây giống, mỗi năm anh kiếm trên 200 triệu đồng. Dự kiến hai năm tới, anh sẽ hái ra tiền!
 
Hiện nay anh là Tổ trưởng Tổ hợp tác SX cây có múi xã Phong Hòa, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Quới kiêm Ủy viên Hòa Tâm Hội quán. Anh đang theo học lớp VietGAP do huyện Lai Vung tổ chức. Sau khóa học anh sẽ tiến tới trồng theo quy trình VietGAP.
 
Anh Sơn ủ phân vi sinh hữu cơ mỗi năm trên 10 tấn theo hướng dẫn của trường Đại học Cần Thơ để sử dụng cho vườn nhà, đồng thời hỗ trợ các nhà vườn trong tổ hợp tác. Nhờ vậy mà cây phát triển bền vững, trái ngon, sạch vì không sử dụng hóa chất. Khách hàng tìm đến anh hỏi mua không đủ bán, nhất là các dịp lễ, tết.
 
Theo Nongnghiep.vn