Những cây cam sai trĩu quả nhưng gốc của chúng lại là những gốc bưởi diễn lâu năm, năng suất tăng 15% so với trồng cam thuần chủng còn chất lượng và giá trị cũng tăng đáng kể. Bền cây, cây sinh trưởng phát triển tốt, áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ đối với cây cam canh ghép trên gốc bưởi diễn đang là hướng sản xuất cam bền vững của các hộ dân tại huyện Lục Ngạn hiện nay.

Đến thăm vườn cam canh của hộ gia đình anh Bùi Quang Vinh thôn Tân Đồng, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn với hơn 2ha cam canh và bưởi ngọt. Theo anh Vinh, gia đình anh đã trồng bưởi diễn được 8 năm, trong quá trình chăm sóc diện tích bưởi diễn của gia đình anh có chiều hướng năng suất giảm, chất lượng quả giảm mạnh; đã có những lúc gia đình anh có ý định phá bỏ bưởi diễn chuyển đổi sang trồng cây trồng khác. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ khuyến nông huyện và khuyến nông tỉnh tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi từ gốc bưởi diễn ghép cam canh, hướng dẫn chăm sóc cây cam theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, anh Vinh còn được đi tham quan các mô hình sản xuất cam canh có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Từ đó, anh Bùi Quang Vinh đã quyết định chuyển hướng ghép 200 cây bưởi diễn ghép cam canh và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đến nay, vườn cam canh ghép trên gốc bưởi đã cho thu hoạch, sản lượng và chất lượng quả tăng lên rõ rệt.

Anh Bùi Quang Vinh xã Tân Mộc huyện Lục Ngạn chia sẻ về cách chăm sóc vườn cam canh ghép trên gốc bưởi diễn của gia đình giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch
Gốc bưởi diễn nhưng quả lại là quả cam canh sai trĩu, thậm chí năng suất và giá thành còn tăng thêm 15% so với cam canh thuần. Vườn cam canh năm nay của gia đình anh Bùi Quang Vinh đạt khoảng 15 tấn quả, đã có thương lái đến đặt mua cả vườn với giá 60.000đồng/kg.

 

Nếu như trước kia một cây bưởi diễn 8 năm tuổi cho thu hoạch 100 quả/cây với giá bán 10.000 – 12.000 đồng/1 quả, mỗi cây chỉ thu được 1 triệu đồng/cây/năm thì giờ đây khi chuyển đổi ghép cam canh trên gốc bưởi diễn mỗi cây đạt 80 – 100kg quả/cây/năm, thu về  4– 5 triệu đồng/cây/năm.

Cũng là một trong nhiều hộ tại xã Tân Mộc gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc cam bưởi, cùng chung ý nghĩ phải cắt bỏ cây bưởi diễn để trồng cây trồng khác  thấy được hiệu quả từ mô hình ghép chuyển đổi cam canh trên gốc diễn của gia đình anh Bùi Quang Vinh, anh Nguyễn Văn Hồng thôn Tân Đồng xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn cũng học tập ghép chuyển đổi 200 gốc bưởi diễn ghép mắt cam canh hiện nay diện tích này cũng cho đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, vụ quả năm 2023 anh vẫn chủ yếu chăm sóc cây và bắt quả với lượng vừa phải chờ cây thành thục để làm vụ quả chính năm 2024. Ngoài ghép cam canh trên gốc bưởi gia đình anh Hồng còn ghép bưởi đỏ lên trên gốc bưởi diễn. Những diện tích gốc ghép này đều phát triển tốt và chất lượng quả cao.


anh Nguyễn Văn Hồng giới thiệu quả bưởi đỏ được ghép trên gốc bưởi diễn đang chuẩn bị cho thu hoạch

Theo anh Hồng chia sẻ, chăm sóc cam canh ghép trên gốc bưởi diễn tận dụng bộ rễ thân khỏe mạnh, thời gian đầu cần phải chú ý chăm các mắt ghép phát triển tốt tạo bộ tán lá đồng đều trước khi bước vào giai đoạn bắt quả. Thời vụ ghép cam canh tốt nhất có thể bắt đầu từ tháng 9 tháng 10 năm trước thì 1 năm sau, ghép chăm sóc tốt cây cam canh ghép có thể bắt quả ngay. Tuy nhiên, trong quá trình trồng và chăm sóc cây cam ghép cần phải đặc biệt chú ý áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ sử dụng các loại phân chuồng kết hợp với ngô, đỗ tương, vỏ đỗ tương, kết hợp sử dụng các loại phân vi sinh phun lên hỗn hợp phối trộn… sau đó ủ hoai mục từ 4-6 tháng đem bón cho cây. Cách làm này vừa giúp cải tạo đất trồng vừa giúp cây ghép phát triển khỏe mạnh, bền cây và có thể bắt quả sớm, đảm bảo an toàn vệ sinh cho quả cam khi đưa ra thị trường. Thấy được hiệu quả kinh tế từ ghép cây cam canh trên gốc bưởi diễn anh Hồng đã tiếp tục ghép 400 cây bưởi diễn chờ vụ quả năm 2024 sẽ bắt quả tiếp.

Ông Chu Đức Hòa – Cán bộ khuyến nông xã Tân Mộc cho biết, hiện tại xã tân Mộc có khoảng 300ha diện tích cây có múi. Nhằm tận dụng gốc bưởi diễn phát triển khỏe mạnh, không cần thời gian chăm sóc dài, việc ghép trực tiếp mắt ghép cam canh lên gốc bưởi diễn đang là một trong những mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Mộc huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, cây cam canh nói riêng hay cây có múi nói chung là loại cây trồng khó tính, đặc tính rễ ăn nổi nên việc trồng và chăm sóc cây cũng cần đặc biệt chú ý không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây có múi, việc sử dụng các loại phân bón cho cây cần hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, cần tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để vừa cải tạo đất và tạo độ bền cho cây.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/