Nuôi ốc nhồi hay còn gọi là nuôi ốc bươu đen, là một trong những mô hình làm giàu mới đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Với kỹ thuật nuôi ốc ốc nhồi này người chăn nuôi có thể làm giàu từ nông nghiệp với chi phí thấp, không cần quá nhiều công sức vào việc chăm sóc.

1. Thức ăn cho ốc

Thức ăn cho ốc nhồi là các loại rau xanh, bèo, rêu, lá sắn, cám, ngũ cốc…Ốc nhồi có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và thường phân bố không đều trong ao nuôi. Vì vậy, cần cho ăn ở nơi ốc tập trung để ốc có thể bắt mồi một cách nhanh nhất, tránh tình trạng để dư hoặc thiếu thức ăn một cách cục bộ (sáng sớm ốc nhồi thường nổi lên mặt nước, bám vào lá sắn, lá dọc mùng, bèo để ăn vì vậy quan sát vào lúc sáng sớm sẽ biết được ốc tập trung ở khu vực nào nhiều hơn). Thức ăn xanh để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn. Mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5- 1% khối lượng ốc trong ao.

Mỗi ngày nên cho ốc ăn một lần và vào một giờ cố định. Khi ốc gần thu hoạch thì tăng lượng thức ăn của ốc lên.

Đối với ốc nuôi ở trong ao thì việc kiểm tra thức ăn xanh thừa hay thiếu dễ dàng kiểm tra nhưng kiểm tra lượng thức ăn tinh thì khó hơn phải đặt sàn ăn bằng phên tre đan dày. Trước khi có thức ăn tinh cần kiểm tra sàng ăn, nếu thấy còn thức ăn tinh thì không cho ăn thức ăn tinh lần sau. Nếu ao nhiều mùn bã hữu cơ có thể không cần cho ăn thức ăn tinh mà chỉ cần cho ốc ăn thức ăn xanh.

2. Môi trường nước

Môi trường nước ngọt không bị nhiễm mặn là môi trường sống lý tưởng của ốc. Ở nhiệt độ 22- 300C thì ốc nhồi ta phát triển mạnh. Vào những ngày trời lạnh, hoặc nóng hơn vùng nhiệt độ trên thì ốc thường có biều hiện dừng đi tìm thức ăn và lui vào trú ẩn. Mùa đông ở miền bắc, vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 100C thì khả năng ốc bị chết khá cao, ốc rúc xuống bùn trú đông gần như không hoạt động, lúc này phải rút bớt nước trong ao, thả cây, cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc. Ốc nhồi chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao.

Sau khi thả ốc giống đến khi 2 tháng tuổi không cần thay nước. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay ¾ lượng nước trong ao. Bố trí ao dự trữ nước để sử dụng thay nước cho ao nuôi ốc khi cần.

3. Lưu ý

Khi thời tiết có mưa nhiều, cần kiểm tra a xít trong nước để xử lý trung hoà (dùng nước vôi trong). Ao nuôi 3.000m2 thì tạt 20- 50 lít nước vôi trong tuỳ theo mức độ axit trong nước ao (hoặc có thể kết hợp rắc vôi lượng vừa phải xung quang bờ trước khi trời mưa).

Ngoài ra nuôi ốc nhồi cần lưu ý phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu mắc bệnh, bỏ ăn, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý bệnh, tránh dịch lây lan.

Trên đây, là cách chăm sóc ốc nhồi ta. Chúc bà con thành công./.

BBT