Minh Đạo, xã Tân An (Yên Dũng) có 160 hộ dân với 695 nhân khẩu. Là thôn nằm sát trục đường quốc lộ 299 liên huyện, gần khu trung tâm kinh tế, chính trị của xã. Đường huyện lộ 299 chạy qua địa phận xã Tân An là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán vận chuyển hàng hoá nông sản từ thôn đi đến các thị trường trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, cộng với điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc trồng cây dưa hấu (đó là có 7ha đất đồi pha cát, đất sét nhẹ )… Xuất phát từ thực tế trên, được sự chỉ đạo của Hội Nông dân (HND) huyện Yên Dũng, sự quan tâm, tạo điều kiện của đảng uỷ, UBND và HND xã Tân An, cùng với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật huyện Yên Dũng, chi hội nông dân thôn Minh Đạo đã vận động hội viên, nông dân trồng thử nghiệm giống dưa vàng Mỹ, dưa hấu “Hắc mỹ nhân”, “Kim mỹ nhân”, “MSG - 1636”, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
 
Đi tiên phong trong việc đưa giống dưa hấu “Hắc Mỹ nhân” vào đồng đất thôn Minh Đạo phải kể đến ông Trần Văn Nam và ông Hoàng Văn Lựu. Với sự tư vấn kỹ thuật của PGS.TS Nguyễn Xuân Bang – Giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hai ông đã mạnh dạn trồng 2 sào cây dưa hấu, bước đầu cho năng suất bình quân đạt từ 800 đến 1000kg/sào, giá bán giao động từ 3000 - 5000đ/kg. Trừ chi phí cho thu nhập từ 2 – 2,3 triệu đồng/sào/vụ. Từ hiệu quả mô hình của hai ông, nhiều hội viên, nông dân trong thôn đã áp dụng và nhân rộng ra trồng luân canh 3 vụ/năm với diện tích từ 4-5ha/vụ. Không chỉ thành công với giống dưa hấu “Hắc Mỹ nhân”, nhiều hội viên nông dân thôn Minh Đạo còn mạnh dạn đưa những giống dưa mới như “Dưa lê ngọt Nhật”, “Dưa vàng Mỹ” vào trồng thử nghiệm với diện tích 1ha (có 10 hộ tham gia). Với năng suất bình quân từ 500 -700 kg/sào, dưa lê ngọt Nhật có giá bán trung bình từ từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg , trừ chi phí cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng/sào/vụ. Dưa vàng Mỹ cho năng suất bình quân một sào đạt từ 800-1000kg, giá bán từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu nhập từ 11 đến 12 triệu đồng. Với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, việc đưa những giống dưa mới vào trồng thử nghiệm trên đồng đất Minh Đạo đã giúp cho bà con nông dân trong thôn tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp… Tuy nhiên, việc trồng dưa phụ thuộc nhiều vào nguồn nước trong khi đó nguồn nước tưới thụ động; thời gian thu hoạch ngắn nên khi gặp thời tiết bất thường dưa hay bị hỏng; giá cả không ổn định… do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân.
 
Để mô hình trồng các loại dưa vàng Mỹ, dưa hấu Hắc mỹ nhân, dưa lê ngọt Nhật được nhân rộng và phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, đặc biệt cần có sự “bắt tay” chặt chẽ của “4 nhà” đóng vai trò là bà đỡ cho người nông dân. Trong đó, Nhà khoa học cần xác định thổ nhưỡng, giống đảm bảo chất lượng, chuyển giao KHKT, các lớp tập huấn kịp thời đến với người nông dân. Đồng thời đóng vai trò chính chỉ đạo sản xuất và tổ chức hội thảo đầu bờ, rút kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng tiến tới có thương hiệu. Nhà nước cần có sự đầu tư hỗ trợ giống, vốn, vật tư và định hướng để các nhà doanh nghiệp, cửa hàng dịch vụ, quảng bá và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, khi sản xuất mở rộng, ổn định, trên cơ sở đó hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nhà doanh nghiệp và nhà nông cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bao tiêu sản phẩm, trong đó phải đảm bảo thu mua theo thời vụ kịp thời, giá cả ổn định, tránh ép giá gây thiệt hại cho người nông dân. Cần có các thông tin giá cả trên thị trường hai chiều để nông dân nắm được, tiếp cận làm cầu nối trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà nông cần không ngừng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường./.
 
Mai – Quyên