Với những tính năng vượt trội, máy gieo hạt đậu tương 4RĐK của ông Nguyễn Hữu Tùy đã được bà con nông dân đón nhận và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2010 cùng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý.
 Đáp ứng nhu cầu thực tế
 
  Đậu tương hay đỗ tương, đậu nành (tên khoa học Glycine max) là loại cây họ Đậu (Fabaceae), là loài bản địa của Đông Á. Loài này giàu hàm lượng chất đạm protein, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc.
 
 Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.
 
Ngoài ra, trong cây đậu tương còn có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất các cây trồng khác. Điều này có được là hoạt động cố định N2 của loài vi khuẩn Rhizobium cộng sinh trên rễ cây họ Đậu.
 
 Theo số liệu thống kê chính thức, đậu tương đang được trồng tại 25 trong số 63 tỉnh thành cả nước, với khoảng 65% tại các khu vực phía Bắc và 35% tại các khu vực phía Nam. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, diện tích đất quy hoạch khoảng 100 ngàn ha, tận dụng tăng vụ trên đất lúa để năm 2020 diện tích gieo trồng khoảng 350 ngàn ha, sản lượng 700 ngàn tấn; vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
 
 Các nhà khoa học Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra giống đậu tương công nghệ sinh học và hiện đại có sản lượng cao hơn và chi phí sản xuất thấp hơn tại một số khu vực.
 
 Những năm trở lại đây, quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, đưa KH&CN vào sản xuất một cách toàn diện, đặc biệt là đổi mới máy móc thiết bị đã góp phần quan trọng giúp năng suất mùa vụ, tăng hiệu quả kinh tế.
 
 Trong thời gian qua, trên khắp vùng miền đất nước đã có nhiều người dân xuất phát từ thực tế lao động đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất. Đa số những máy móc của họ có kết cấu đơn giản, hợp với điều kiện sản xuất cũng như kinh tế của người nông dân vùng mà họ định thương mại hóa.
 
 Một trong những sáng tạo có ý nghĩa đó là chiếc máy gieo hạt đậu tương 4RĐK của bác Nguyễn Hữu Tùy ở Thôn Hậu Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa – thành phố Hà Nội.
 
 Bà con nông dân nhiệt tình đón nhận
 
 Ông Nguyễn Hữu Tùy xuất thân không phải từ một người nông dân đơn thuần. Ông đã từng là sinh viên của trường đại học nông nghiệp Hà Nội từ những khóa 13. Sau hơn 30 năm hoạt động nghiên cứu, cống hiến tài trí cho ngành nông nghiệp, ông Tùy trở về quê hương. Tại đây, chứng kiến cảnh người dân quê ông và vợ con ông vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với những công việc đồng áng. Chính nhờ thực tế trông thấy đó đã khơi dậy cho ông niềm đam mê vốn có của mình về máy móc nông nghiệp.
 
 Ông trằn trọc suy nghĩ phương án nghiên cứu tìm ra giải pháp kỹ thuật giúp vợ con, rồi bà con quê mình bớt khổ. Sau một thời gian ngắn, hàng loạt máy móc phục vụ nông nghiệp đã ra đời ngay trong cái xưởng cơ khí mà ông gây dựng như máy xạ lúa, máy làm đất, máy cày,…
 
 Năm 1993, quê ông (khi đó còn gọi là Hà Tây) đang có phong trào thi đua trồng cây đậu tương, vì loại cây này trồng tương đối dễ mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nhưng kéo theo đó hiện tượng thiếu nhân công ở thời điểm gieo hạt cũng như thu hoạch. Hơn nữa việc gieo hạt thủ công vừa mất công sức, thời gian nhiều nhưng hiệu quả lại không cao, tỷ lệ nảy mầm của hạt đậu kém. Vốn là người có kiến thức về nông nghiệp khi được học trường đại học nông nghiệp Hà Nội, ý tưởng chế tạo chiếc máy gieo hạt đậu tương bắt đầu nhen nhóm trong ông.
 
 Khi đã nghĩ thấu đáo thì cũng là lúc chiếc máy hiện lên trên giấy dưới dạng một bản vẽ thiết kế, sau đó ông đã huy động anh em công nhân trong xưởng cơ khí của mình gia công và lắp ráp theo sự “đạo diễn” của ông Tùy.
 
 Chẳng bao lâu chiếc máy gieo hạt đậu tương của ông Tùy đã hoàn thiện. Chiếc máy gieo hạt đậu tương có tên 4RĐK bao gồm bộ phận gieo hạt, bộ phận cắt phạt cỏ rác để phủ lên lớp hạt đã gieo, tạo độ ẩm cho hạt nảy mầm tốt hơn. Thời gian đầu khi máy mới hoàn thiện thì chỉ hoạt động gieo đậu ở những vùng đất có địa hình thuận lợi, chưa hoạt động được ở những nơi vùng sâu, mấp mô; những hạt đậu gieo ra không đều, máy cồng kềnh, di chuyển gặp nhiều khó khăn,…
 
 Lại một lần nữa ông Tùy vắt óc suy nghĩ để cải thiện những khiếm khuyết của chiếc máy vừa ra đời. Ông lại bắt đầu tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm. Và sau tới 7 lần hoàn thành rồi lại phải phá bỏ chiếc máy gieo hạt đậu tương “Madein Nguyễn Hữu Tùy” đã hoàn thiện. Chiếc máy này gồm có toa đựng hạt được lắp lên trên hộp chia hạt, trống chia hạt được và quay được trong hộp chia hạt nhờ cụm truyền chuyển động. Cụm cơ cấu rạch hàng gieo hạt, phay đất gồm các cụm rạch hàng và gieo hạt, mỗi cụm có lưỡi hàng hàn vào đầu dưới ống gieo và một ống gia cường. Hai ống này được hàn sát nhau và được kẹp giữa cánh lưỡi. Trục quay đất trên có lắp các cụm lưỡi phay, khi cơ cấu phay làm việc, các lưỡi này sẽ bóc lớp đất trên bề mặt ruộng, làm tơi và bắn phủ lên rãnh đã gieo hạt.
 
 Đặc biệt, máy này đã được cải tiến khác với chiếc máy đầu là máy có thể làm việc được dưới mọi địa hình như đất khô ở đồng bằng, cao nguyên và trung du có độ dốc cho phép, làm việc liên hoàn 1 công đoạn rạch hàng, gieo hạt, phay đất phủ hạt và giữ độ ẩm cho đất nảy mầm. Với chiếc máy này trong một giờ một người có thể lái có thể gieo được 6 sào bằng 18 công.
 
 Những tính năng vượt trội này, máy gieo hạt đậu tương 4RĐK của ông Nguyễn Hữu Tùy đã được bà con nông dân đón nhận. Không những được bà con nông dân đón nhận mà chiếc máy gieo hạt đậu tương còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Đặc biệt, chiếc máy gieo hạt đậu tương của ông Nguyễn Hữu Tùy đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2010 cùng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý.
 
 Ông Nguyễn Hữu Tùy chia sẻ, tuy chiếc máy có nhiều ưu điểm nhưng việc nhân rộng chiếc máy chưa được cao là do thực trạng sản xuất của bà con nông dân còn manh mún. Ông Tùy mong rằng chiếc máy của mình sẽ sớm có điều kiện đưa vào sản xuất thực tế để giảm khó nhọc cho bà con nông dân.
 
 Hoàng Anh http://truyenthongkhoahoc.vn