Với những kết quả đạt được, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KHCN sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại An Giang” đã mở ra hướng phát triển một nghề mới cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo ở An Giang.
Đem lại thu nhập ổn định
Với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng của những người dân ở ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, An Giang thực sự là điều đáng mơ ước của nhiều người nông dân. Đây là kết quả của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KHCN sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại An Giang”, thuộc Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ KH&CN. Dự án do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Dũng chủ trì và ông Dương Hoàng Phi Hùng làm chủ nhiệm
Sau hơn hai năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả khả quan, nhận 15 công nghệ từ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp), trong đó 03 quy trình nhân giống cấp 1,2,3. 08 quy trình công nghệ nuôi trồng 08 loại nấm ăn, nấm dược liệu. 03 quy trình công nghệ bảo quan nấm tươi, sấy nấm, muối nấm. 01 quy trình công nghệ xử lý phế thải sau thu hoạch. Các quy trình công nghệ trồng nấm mèo, linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư thích hợp với điều kiện của An Giang. Ngoài ra, còn một số loại nấm như kim châm, ngọc châm, đùi gà, nấm mỡ còn nhiều hạn chế về thời tiết và khí hậu của tỉnh An Giang,…
Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện 03 mô hình ứng dụng công nghệ để sản xuất; Xây dựng 1 mô hình sản xuất giống nấm gồm 2.000 ống giống nấm cấp I, 4.000 ống giống nấm cấp II và 56 tấn giống nấm cấp III; 1 mô hình nuôi trồng nấm tập trung sản xuất 344,5 tấn nấm tươi/năm; 10 mô hình phân tán sản xuất 90 tấn nấm tươi/năm; 1 mô hình chế biến và sơ chế tập trung sản xuất 18 tấn muối và 10 tấn nấm mộc nhĩ, linh chi khô.
Ông Nguyễn Đại Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Dũng hồ hởi cho biết: Công ty đã sản xuất được 10/15 loại nấm có giá trị kinh tế cao như: Nấm rơm (Volvariella volvacea), nấm bào ngư (Pleurotus florida), nấm mộc nhĩ (Auricularia politricha), nấm linh chi (Ganoderma lucidum) ở điều kiện nhiệt độ tự nhiên và nhiều loại nấm trồng công nghiệp trong nhà có thiết bị lạnh như: nấm kim châm (Flammulina velutipes), nấm ngọc châm (Hypsizigus mamoreus), nấm đùi gà (Pleurotus enringii), nấm chân dài (Clitocybe maxima), nấm tùy nhung (Matsutake), nấm hầu thủ (đầu khỉ). Công ty đã tổ chức 40 mô hình và 30 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho trên 200 hộ dân tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và Phú Tân. Theo ông Lợi, sau khi kết thúc dự án, công ty sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, liên kết với nông dân để tăng sản lượng tiến tới xuất khẩu.
Điểm đáng ghi nhận là dự án đã nghiên cứu đã tận dụng phế phẩm nông nghiệp sản xuất ra phôi giống và sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu cao cấp sạch. Ngoài giá trị cung cấp dinh dưỡng đạm, đường, dồi dào về khoáng và sinh tố, nấm còn có nhiều tác dụng dược lý, mang lại lợi ích kinh tế rất cao cho người trồng hay sản xuất phôi giống, giải quyết được bài toán môi trường, đồng thời còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn.
Nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu từ lâu đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, trong đó, nghề trồng nấm rơm có bước phát triển mạnh nhất, bởi trên cùng một diện tích đất canh tác thì lợi nhuận từ trồng nấm rơm thường cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa. Trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp cho lao động nông thôn ít đất, đồng thời với nguồn rơm nguyên liệu dồi dào nên chỉ cần có sức lao động và mặt bằng thì có thể gia tăng thu nhập từ nghề nuôi trồng nấm rơm.
Cần có quy hoạch sản xuất
Được biết, UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kế hoạch và triển khai chương trình phát triển nghề trồng nấm ăn ứng dụng công nghệ cao, trong đó thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bà Đinh Thị Việt Quỳnh, Phó giám đốc Sở KH&CN An Giang cho biết, từ năm 2013-2020, An Giang phát triển sản xuất nấm rơm trong nhà, trang trại theo hướng công nghệ cao, để tăng năng suất trung bình từ 5% lên 10-15% nấm rơm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ cung cấp phôi giống, phụ liệu trồng nấm để hỗ trợ nghề trồng nấm rơm. Tại mỗi huyện, hình thành cơ sở cung cấp phôi giống kết hợp thu mua sản phẩm; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động thường xuyên và khoảng 50.000 lao động thời vụ, tăng 1,5 lần so với năm 2010.
Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu năng suất nấm đạt từ 15-20% nấm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu trên cơ sở hoàn thiện nhà trồng theo hướng hiện đại, tạo việc làm cho 30.000 lao động thường xuyên và 80.000 lao động thời vụ, tăng hai lần so với năm 2010, trong đó, tay nghề lao động được nâng cao ngang tầm với công nghệ sản xuất.
Ngoài ra, An Giang thực hiện ứng dụng công nghệ cao từ năm 2013 đến năm 2020 để tăng năng suất các loại nấm có giá trị kinh tế khác như nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi từ 15-20% do cải thiện chất lượng giống và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Từ sau năm 2015, tỉnh bắt đầu phát triển các loại nấm có giá trị khác như nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm, và đến năm 2020 đa dạng hóa và hoàn thiện quy trình sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng.
Tỉnh An Giang cũng đã thực hiện quy hoạch địa điểm, quy mô thực hiện ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2013-2015; giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ 2013-2015, tỉnh thực hiện tập huấn, trình diễn mô hình trồng nấm công nghệ cao ở ba huyện Thoại Sơn, Châu Thành, An Phú.
Tuy nhiên, trong vài năm nay diện tích nuôi trồng nấm rơm có xu hướng sụt giảm. Nhiều nguyên nhân gây cản trở sự phát triển nghề trồng nấm, như: Thiếu nhân công cho việc gom rơm, vận chuyển rơm vì trùng vào thời điểm thu hoạch lúa. Nếu thu gom rơm bằng máy gom rơm chuyên dùng thì không hiệu quả do giá thành máy quá cao (trên 100 triệu đồng) nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Trong địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nuôi cấy phôi hiện đại, chỉ có một số ít cơ sở sản xuất phôi giống với công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nấm. Kỹ thuật nuôi trồng nấm hàng hóa chưa tuân thủ khâu sát trùng nhà trồng giữa 2 vụ, nên đã không kiểm soát được tình trạng nấm tạp. Quy mô sản xuất đa số là nhỏ lẻ. Thị trường tiêu thụ nấm chưa thực sự ổn định...
Để phát triển nghề trồng nấm thành ngành nghề sản xuất hàng hoá, tất yếu phải tổ chức lại sản xuất, trong đó phải liên kết chặt chẽ từ khâu cung ứng phôi nấm đến nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ, song song với ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Khi nông dân trực tiếp nuôi trồng nấm đạt được hiệu quả thiết thực như năng suất ngày càng tăng, giá thành sản phẩm từng bước giảm thấp, thì lợi nhuận sẽ càng được nâng cao. Bên cạnh đó, khi có nguồn nấm chất lượng cao, dồi dào, ổn định,.. sẽ càng làm tăng thêm giá trị sản phẩm nấm, và hiệu quả càng được nâng cao. Sản xuất phát triển sẽ tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải thiện kinh tế, gia tăng thu nhập. Hộ dân ít đất sản xuất, hộ nghèo cũng có thêm nhiều việc làm. Có việc làm với thu nhập ổn định sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Minh Châu http://www.truyenthongkhoahoc.vn
Tin liên quan: