Do có nhiều ưu điểm về chất lượng gỗ, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên vụ trồng rừng năm nay, giống keo gieo ươm bằng hạt đang được người dân ưa chuộng dẫn đến khan hiếm.

Khó mua cây giống
 
 
 
Tranh thủ mưa xuống, đất ẩm, gia đình ông Lã Văn Tuấn, thôn Đồng Chu, xã Yên Định khẩn trương cuốc hố trồng rừng. Dự kiến ban đầu, gia đình ông mua các loại cây keo được gieo ươm bằng hạt như tai tượng, lá chàm nhưng nhờ người đi khắp nơi tìm kiếm đều không mua được.
 
 
 
Trước thực tế này, gia đình ông định chuyển sang trồng cây keo hom (giống giâm cành) nhưng cũng không khả quan hơn là bao khi giá loại cây này đã tăng gấp từ 2 đến 3 lần ngày thường, hiện ở mức 1.000 đồng/cây khiến chi phí đầu tư trồng rừng tăng cao.
 
 
 
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sơn Động, dù đã cuốc hố chờ sẵn nhưng chưa mua được cây giống. Những năm trước, thời điểm chính vụ trồng rừng cây giống dồi dào, giá cả phải chăng vì ngoài nguồn cung từ các vườn ươm trong huyện còn có cây từ các huyện Lục Nam, Yên Thế, thậm chí Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chuyển về.
 
 
 
Năm nay, ngay từ đầu vụ đã có nhiều người ở tỉnh ngoài về một số vườn ươm lớn trong huyện thu mua cây giống với giá cao khiến cây giống trong huyện bị khan hiếm, giá cao hơn từ 2 đến 3 lần những năm trước, ở mức từ 700 đến 900 đồng/cây.
 
 
 
Bà Nông Thị Thắm, chủ vườn ươm ở thôn Khả, xã Vân Sơn (Sơn Động) đầu tư ươm hơn 20 vạn cây keo hạt Úc (tăng gấp đôi năm trước), tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất vườn hơn 90% nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các hộ trong vùng. Nhiều ngày nay có hàng chục người đến nhờ liên hệ mua giống nhưng hầu hết vườn ươm trong huyện đều "cháy" cây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, một số giống cây lâm nghiệp khác như bạch đàn, thông không thiếu, giá cũng chỉ ở mức từ 400-600 đồng/cây, sức mua chậm.
 
 
 
"Kế hoạch quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và PTNT đã được UBND tỉnh chấp thuận. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của Sở sẽ tích cực kiểm soát, bảo đảm giống cây lâm nghiệp tại các cơ sở gieo ươm đạt chất lượng tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng" - Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Sơn Động là vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp lớn, hằng năm đều đáp ứng tốt nhu cầu trồng rừng trên địa bàn. Năm nay, do nhu cầu trồng cây của người dân các tỉnh trong khu vực như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn tăng cao nên nhiều người về mua gom cây giống cung cấp cho các tỉnh trên.
 
 
 
Nói không với giống trôi nổi
 
 
 
Tình trạng khan hiếm các loại giống cây keo ươm bằng hạt cũng diễn ra ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Bà Hoàng Kim Lan, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây lâm nghiệp Toản Lan, phố Tân Tiến, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) cho biết, thị trấn có hơn 200 hộ, doanh nghiệp ươm cây giống nhưng đến nay không ai còn giống keo hạt để cung cấp ra thị trường. Do vậy, nhiều người đã chuyển sang trồng các loại cây khác như keo hom, bạch đàn, thông, lát hoa... để bảo đảm tiến độ, thời vụ trồng rừng. Công ty đang tích cực chỉ đạo công nhân làm bầu, tiếp tục gieo ươm, phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân.
 
 
 
Thống kê của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay các vườn ươm trong tỉnh đã gieo ươm được hơn 10 triệu cây giống các loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, năm nay nhiều hộ dân ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn chuộng trồng cây keo, nhất là keo hạt Úc vì phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất, chất lượng gỗ tốt, ít sâu bệnh, rất thích hợp trồng tại khu vực núi cao, sườn dốc có gió mạnh.
 
 
 
Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 4 nghìn ha rừng (đạt 66% kế hoạch). Riêng "cơn sốt" cây giống chỉ mang tính cục bộ ở thời điểm hiện tại, việc thiếu giống cũng chỉ diễn ra ở một số loại cây nên người dân không phải lo lắng vì vụ trồng rừng còn kéo dài đến hết tháng 8-2015 (tháng 7 âm lịch). Hiện các vườn ươm đang tiếp tục xuống giống, đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng trong năm.
 
 
 
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp khuyến cáo, nếu còn nhiều diện tích, người dân nên hợp đồng trước số lượng, chất lượng, giá cả với các cơ sở gieo ươm có uy tín, chuẩn bị sẵn hiện trường để được nhận đúng, đủ cây trồng rừng kịp thời vụ. Tuyệt đối không mua các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng rừng.
 
 
 
Văn Thương http://baobacgiang.com.vn/