Từ xưa, nấm Linh Chi được biết đến như một loại dược liệu quý. Với cấu trúc độc đáo của nấm Linh Chi chính là thành phần khoáng tố vi lượng đủ loại (119 chất), trong đó một số khoáng tố như Germanium hữu cơ, Vanadium, Crôm… các hợp chất Polysaccharides và Triterpenoids... đã được khẳng định là nhân tố quan trọng cho nhiều loại phản ứng chống ung thư, dị ứng, lão hóa, xơ vữa, đông máu nội mạch, giúp điều chỉnh dẫn truyền thần kinh, bảo vệ cấu trúc của nhân tế bào. Từ những công dụng tuyệt vời của loại nấm này, mới đây trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai 2 mô hình trồng nấm Linh Chi dưới tán cây vải thiều đã bắt đầu cho thu hoạch, mở ra triển vọng mới về phát triển loại dược liệu quý này. Đến Lục Ngạn thăm vườn vải thiều của anh Đỗ Văn Thắng, thôn trại 3, xã Quý Sơn đúng dịp vải đang kết trái và chuẩn bị cho vụ thu hoạch vụ tới. Đây là vườn vải đầu tiên ở Lục Ngạn thí điểm sử dụng thuốc sâu thảo mộc Anisaf SH-01 thuộc đề tài khoa học giữa Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang phối hợp thực hiện. Nhờ ứng dụng phương pháp này mà chất lượng vải thiều của gia đình anh Thắng được nâng cao, đáp ứng những điều kiện quan trọng để quả vải có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… đồng thời, đây cũng là cách làm để tạo ra một môi trường sạch cho việc triển khai trồng nấm Linh Chi dưới tán vải. Tháng 2/2014, anh Thắng bắt đầu trồng nấm Linh Chi. Sau khoảng 3 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu. Theo anh Thắng, kỹ thuật trồng nấm dưới tán vải hoàn toàn khác với phương pháp trồng nấm thông thường tuy nhiên không quá phức tạp. Dưới tán vải thiều, anh đào thành luống, lót gỗ keo sau đó đưa các bịch nấm vào trồng rồi phủ bằng mùn cưa, lá vải. Điều kiện sinh trưởng phát triển của cây nấm Linh Chi gần giống trong môi trường tự nhiên. Các bịch nấm, thay vì bằng mùn cưa như những bịch nấm thông thường, là những khúc gỗ keo khô để nguyên cả khúc, dài chừng 18cm, sau khi xử lý, được anh đưa cấy phôi giống và đưa bịch trồng dưới tán vải thiều. Hàng ngày, anh Thắng tưới nước sạch đảm bảo độ ẩm cần thiết cho cây nấm phát triển, nếu bị khô nấm phát triển chậm, ảnh hưởng đến năng suất. Sau 70 ngày trồng, nấm bắt đầu mọc. Thời gian thu nấm Linh chi với cách trồng này kéo dài tới 3 năm. Cùng với mô hình của anh Thắng, ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa cũng đã ứng dụng khá thành công mô hình trồng nấm Linh Chi dưới tán vải thiều. Hiện tại, gia đình ông trồng gần 400 bịch nấm. Theo ông Thịnh, nấm Linh Chi ít dịch bệnh và không đòi hỏi kỹ thuật nuôi trồng quá phức tạp, tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ, thường xuyên thăm nom, chăm sóc, có biện pháp phòng chuột và kiến tại môi trường trồng nấm, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho nấm. Khi trồng cần lưu ý đảm bảo đủ độ ẩm để nấm sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Nhờ sự cần mẫn, chịu khó của mình, sau 3 tháng trồng, nấm đã bắt đầu cho thu hoạch. Giá nấm linh chi trên thị trường dao động ổn định từ 800.000-1.000.000 đồng/kg nấm khô. Ước tính, cứ khoảng 50 bịch nấm linh chi sẽ cho thu 1kg nấm khô, như vậy, với 400 bịch nấm linh chi sẽ cho khoảng 80kg nấm khô, thu về từ 64-80 triệu đồng. Bắc Giang hiện có hơn 33.000ha đất trồng vải thiều, đây là cơ hội để nghề trồng nấm Linh Chi phát triển, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình nói riêng và địa phương nói chung./. Nguyễn Tươi
Tin liên quan: