Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu trong đó có cây đinh lăng là một trong những cây trồng chính đáp ứng nhu cầu dược liệu của thị trường, làm cơ sở để khuyến cáo nhân rộng và phát triển vùng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Sau 1 năm thực hiện cho thấy mô hình trồng cây đinh lăng tại 2 xã Ngọc Vân và Việt Ngọc đã bước đầu cho kết quả khả quan. Đây là tín hiệu vui với người dân đất Ngọc khi có thêm loại hình cây dược liệu đưa vào địa bàn. Chúng tôi về xã Ngọc Vân và Việt Ngọc thăm mô hình trồng đinh lăng được Trung tâm KHCN và MT huyện triển khai thực hiện trong năm 2014, tại khu vườn trồng tập trung cũng như mô hình trồng đinh lăng phân tán đều sinh trưởng phát triển tốt. Theo kỹ sư Nguyễn Quang Điểm – Chủ nhiệm mô hình trồng đinh lăng cho biết: Tại xã Ngọc Vân mô hình trồng đinh lăng được triển khai trồng tại 2 hộ và 4 hộ ở xã Việt Ngọc. Quy trình kỹ thuật được Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao. Giống sử dụng đưa vào trồng tại mô hình là Đinh lăng nếp đã được ươm tại vườn đảm bảo chất lượng. Mô hình được triển khai trồng với tổng diện tích là 4,6 sào. Trong đó xã Việt Ngọc có diện tích là 3,6 sào và xã Ngọc Vân diện tích là 1 sào với tổng số trên 6.400 cây. Cũng theo ông Nguyễn Quang Điểm cho biết thêm: Mô hình trồng cây đinh lăng tập trung làm dược liệu là một mô hình mới được triển khai trên địa bàn. Do phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên hiện nay diện tích cây đinh lăng trồng tại 2 xã trên đang sinh trưởng phát triển tốt. Theo bà Bùi Thị Tú ở thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc – người tham gia mô hình cho biết: Kỹ thuật trồng cây đinh lăng khá đơn giản, chi phí đầu vào cũng không cao, vườn bãi rộng, có thể trồng xen hoặc tập trung đều được. Được biết để thực hiện mô hình cán bộ Trung tâm KHCN& MT huyện đã đi nhiều vùng trồng đinh lăng như Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ tìm hiểu, đồng thời phối hợp với Học viện Nông nghiệp Hà Nội tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ mô hình này các hộ trồng đinh lăng được hỗ trợ 60% giá giống, cùng chi phí cho các hoạt động liên quan đến tổ chức chuyển giao công nghệ, hội thảo khoa học, xét duyệt, nghiệm thu. Theo qui trình kỹ thuật, cây đinh lăng trồng trong điều kiện chăm sóc đúng quy trình, sau 3 năm cây đinh lăng sẽ tích lũy đủ các hoạt chất và cho thu hoạch. Với mật độ trồng khoảng 1.400 cây /sào, sau 3 năm trọng lượng mỗi gốc khoảng 2 kg. Như vậy, nếu đảm bảo chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sản lượng sẽ đạt khoảng trên 2, 5 tấn. Hiện tại, giá thu mua của thương lái trên thị trường bình quân 20 nghìn đồng/1kg thân cây, rễ đinh lăng có giá cao hơn (khoảng từ 60 - 100 nghìn đồng/kg tùy loại). Tính ra sau 3 năm mỗi sào trồng đinh lăng sẽ cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng, chưa trừ các chi phí và 1 ha đinh lăng sẽ cho thu gần 1,4 tỷ đồng, đối với đất vườn đồi, hiệu quả như vậy cũng là không nhỏ. Cũng bắt đầu tư mô hình trồng cây đinh lăng tập trung ở Việt Ngọc và Ngọc Vân, trên địa bàn huyện hiện nay đã xuất hiện thêm một số hộ dân ở Hợp Đức, An Dương, Quang Tiến đầu tư trồng cây đinh lăng. Trong nhóm cây dược liệu dự định hiện nay của Tân Yên, cây đinh lăng cũng đã được xác định là 1 trong những cây trồng chính và có thế mạnh và sẽ được nhân rộng trong những năm tới. Có thể nói, với kết quả bước đầu về mô hình trồng cây đinh lăng trên địa bàn huyện ta, đã và đang mở ra những hướng đi mới, tích cực, cho thấy những tín hiệu vui từ chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản đang được chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống nông dân góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn: Trang TTĐT Tân Yên
Tin liên quan: