Củ nghệ ngoài làm gia vị thì Curcumin-hoạt chất chính phân lập từ cây nghệ đã được các nhà khoa học chứng minh là có nhiều tác dụng sinh học. Ở Bắc Giang, mô hình trồng nghệ làm dược liệu đã và đang được các nhà khoa học nghiên cứu, triển khai và bước đầu cho kết quả khả quan.
Cây dược liệu quý
Các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Curcumin trong cây nghệ có tính chất phòng ngừa và chống ung thư, ôxi hóa, viêm khớp... Ngoài ra Curcumin là chất có triển vọng lớn trong điều trị viêm gan B, C và nhiễm HIV. Tuy nhiên, cho tới nay, cây nghệ vàng chưa được trồng quy mô lớn trong tỉnh mà chủ yếu ở các hộ trồng nhỏ lẻ.
Quá trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, năm 2015, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã đề xuất triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất Curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ tại Bắc Giang”, tổng kinh phí đầu tư hơn 7 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2018.
Triển khai dự án, các chuyên gia lấy giống nghệ vàng của Bắc Giang và Quảng Ninh để đưa vào trồng thử nghiệm. Sau hơn một năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy cây nghệ trồng tại Bắc Giang cho năng suất, chất lượng, hàm lượng Curcumin cao; hiệu quả kinh tế từ cây nghệ cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác.
Tín hiệu khả quan
Ông Phan Văn Hùng, thôn Thị, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) - một trong các hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây nghệ cho biết: “Gia đình tôi chuyển gần 1 sào ruộng từ trồng rau màu sang trồng nghệ vàng, được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Nghệ đang thu hoạch, năng suất ước đạt 1,5 tấn/sào, với giá thu mua 5.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 5 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng màu”.
Nhiều hộ dân khác ở xã Mỹ Hà và xã Bảo Sơn (Lục Nam) tham gia dự án cũng khẳng định, trồng nghệ chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư thấp và sẽ mở rộng diện tích trồng trong vụ tới.
Từ mô hình trồng thử nghiệm với diện tích 1 ha nghệ tại 2 xã cho thấy: Cây nghệ thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại Bắc Giang; năng suất, chất lượng, hàm lượng Curcumin trong nghệ cao hơn so với các vùng trồng khác của cả nước. Đây cũng là cơ sở để các xã tạo vùng quy hoạch sản xuất tập trung cho cây nghệ.
Tiến sĩ Dương Ngọc Tú - Viện Hóa học, Chủ nhiệm dự án cho biết: Năm 2016, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích mô hình trồng nghệ vàng lên 6 ha tại huyện Lục Nam, Lạng Giang, phấn đấu đến năm 2017 quy mô đạt 7 ha, năng suất đạt 18 - 20 tấn/ha. Viện sẽ tiếp tục tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nghệ vàng cho năng suất và hàm lượng Curcumin cao cũng như kỹ thuật bảo quản, sấy dược liệu nghệ vàng, tiến tới chuyển giao quy trình công nghệ chiết xuất Curcumin.
Đồng thời, xây dựng xưởng sơ chế nghệ và hệ thống thiết bị chiết Curcumin thô quy mô 1 tấn nguyên liệu nghệ khô/mẻ (tương đương 20-25kg curcumin/mẻ). Toàn bộ sản phẩm sẽ được Công ty TechbiFarm thu mua nghệ tươi, sơ chế, kiểm soát cũng như công bố tiêu chuẩn chất lượng và chế biến theo hướng áp dụng GACP với các đối tác trong và ngoài nước.
Sau khi dự án kết thúc, mô hình trồng, sơ chế và sản xuất Curcumin làm thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác từ nghệ vàng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) vẫn được duy trì và nhân rộng để tạo thành vùng sản xuất nguyên liệu ổn định phục vụ nhà máy sơ chế, chế biến, tinh chế Curcumin và sản xuất thực phẩm, thuốc từ nghệ. Với những thành công bước đầu, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng và tiêu chuẩn để sản xuất Curcumin và các sản phẩm có giá trị cao khác từ củ nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nguyễn Thảo (ST)
Tin liên quan: