Xác định tiềm năng cũng như lợi thế của huyện, Huyện ủy Lục Nam (Bắc Giang) đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế rừng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khá giả nhờ rừng
 
Đến thăm Nghè Mản, thôn có diện tích rừng lớn nhất của xã Bình Sơn vào những ngày này nhiều người cảm giác như đang bước vào khu du lịch sinh thái. Không khí trong lành, hàng bạch đàn thẳng tắp, cao vút dọc theo triền đồi. Điểm đặc biệt là các khoảnh rừng đều có đường đất rộng từ 4-6m tạo thuận lợi cho phương tiện di chuyển trong quá trình chăm sóc, thu hoạch. 
 
Bên cánh rừng xanh ngắt, trải dài ngút tầm mắt, Bí thư Chi bộ Trương Văn Cầu nói: “Diện tích này trước đây cỏ dại mọc um tùm chỉ để chăn thả gia súc. Từ năm 2006, được Nhà nước tuyên truyền, hỗ trợ, bà con đã thấy được lợi ích, ý nghĩa của trồng rừng. Đến nay, thôn có hơn 500 ha rừng, phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc. Nhờ vậy, nhiều gia đình có của ăn, của để”. 
 
Gia đình ông Trương Văn Cai là một trong số đó. Với hơn 30 ha rừng, năm 2014, 2015, ông Cai khai thác hơn 5 ha, thu về hơn 600 triệu đồng; phần còn lại được chăm sóc đúng quy trình, trồng giống mới, dự kiến được thu vào năm 2018 với năng suất gỗ đạt cao hơn so với trước, trị giá khoảng 150 triệu đồng/ha. 
 
Ngoài Nghè Mản, các thôn Đồng Đỉnh, Tân Mộc, Bình An… cũng có diện tích rừng lớn, mang lại thu nhập chính của bà con nơi đây. Theo UBND xã Bình Sơn, hiện toàn xã có gần 900 ha rừng chủ yếu là keo lai nuôi cấy mô, bạch đàn giống mới CT3. Đây là những giống có ưu điểm thân thẳng, không phân cành, khoảng 5 năm cho thu hoạch, ngắn hơn 1 năm so với giống cũ. Doanh thu từ rừng toàn xã đạt khoảng 9 tỷ đồng/năm. 
 
Ở các xã Đông Hưng, Lục Sơn, Nghĩa Phương, Trường Sơn, người dân cũng có thu nhập cao từ rừng, doanh thu của mỗi xã đạt từ 10-15 tỷ đồng/năm. Sản lượng gỗ được thu hoạch mỗi năm khá lớn tạo tiền đề hình thành hàng chục cơ sở chế biến gỗ và sản xuất cây giống. Theo kiểm kê, năm 2015, toàn huyện có hơn 27 nghìn ha rừng, trong đó 20 nghìn ha đã và đang cho thu hoạch; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 180 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá: “Doanh thu từ lâm nghiệp không ngừng tăng, hiện chiếm gần 5% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Hàng trăm hộ vươn lên làm giàu từ rừng, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác”.
 
Hướng tới chứng chỉ rừng quốc tế
 
Nhận thấy lợi nhuận từ rừng mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, thị trường chế biến, xuất khẩu gỗ ngày càng mở rộng, tiêu thụ thuận lợi nên huyện xác định phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tháng 3-2016, Huyện ủy Lục Nam ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế rừng giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu nhằm bảo vệ, sử dụng hiệu quả hơn 27 nghìn ha rừng hiện có, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020 doanh thu từ rừng đạt gần 250 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với năm 2015, chiếm 7% giá trị ngành nông nghiệp. Năng suất gỗ rừng trồng đạt 20-25 m3/ha/năm. 
 
Huyện hỗ trợ trồng mới rừng đặc dụng 20 triệu đồng/ha/4 năm; 2 triệu đồng/ha rừng sản xuất; 3 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ cho cán bộ lâm nghiệp ở 14 xã có nhiều rừng với    mức 1 triệu đồng/người/tháng.
 
Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, mỗi năm trồng mới 1 nghìn ha rừng; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, rừng thâm canh, gỗ lớn và rừng đặc dụng. Tổng kinh phí thực hiện hơn 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vốn của người dân. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ trồng 20 ha rừng thâm canh tại các xã Trường Sơn, Bình Sơn, Trường Giang, Vô Tranh, Huyền Sơn. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân trồng mới 500 ha rừng.
 
Điều đặc biệt mà huyện lưu tâm là cần bảo vệ, điều chỉnh mật độ gần 1,4 nghìn ha rừng dẻ ăn quả hiện có, đồng thời khoanh nuôi, tái sinh gần 400 ha dẻ. Do đó, huyện vừa trích ngân sách hỗ trợ 100 nghìn đồng/ha để các hộ gìn giữ, khai thác nguồn lợi hằng năm. Cùng với đó, huyện cũng quan tâm phát triển dược liệu dưới tán rừng như trồng nấm linh chi, ba kích, sâm nam, khôi tía để tăng giá trị kinh tế từ rừng. “Thực tế cho thấy điều kiện khí hậu, chất đất của huyện phù hợp với nhiều loại dược liệu. Bên cạnh đó tại địa bàn có đơn vị sản xuất giống dược liệu, bảo đảm cung cấp giống chất lượng tại chỗ và cho các tỉnh lân cận nên việc phát triển, hình thành vùng dược liệu khá thuận lợi”. Ông Vũ Văn Sơn cho biết thêm. 
 
Từ thực tế đó, năm 2017, huyện  trồng 15 ha ba kích; 10 ha nấm linh chi trồng dưới tán rừng. Hiện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã khảo sát, chọn địa điểm thực hiện trồng linh chi dưới tán rừng tại xã Bình Sơn với quy mô hơn 0,5 ha. Công ty cổ phần Đông y dược Bắc Sơn (TP Bắc Giang) đang trồng 5 ha ba kích dưới tán rừng, tại thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương, dự kiến thu hoạch vào đầu năm 2018.
 
Bằng các giải pháp đồng bộ trên, Lục Nam hướng tới việc khai thác lâm sản bảo đảm đúng quy trình; hình thành vùng dược liệu chất lượng; tất cả lượng gỗ thu hoạch được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm xuất khẩu thuận lợi, tăng giá trị.
 
Theo báo BGĐT