Thời gian gần đây, những mô hình sản xuất xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng diện tích nương rẫy đã mang lại nguồn thu lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh (Bình Định).
Nông dân Đinh Văn Mỹ ở xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh) chia sẻ: “Gia đình mình có 8 sào rẫy, làm theo hướng dẫn của cán bộ, mình trồng lúa nương xen canh với mì (sắn). Hiệu quả lắm! Sản xuất kiểu này nhà mình thu hoạch được nhiều lương thực, hiện nay nhà mình ngày nào cũng đỏ lửa, nỗi lo nhà không có gạo nấu biến mất vào rừng rồi.
Củ mì nhổ lên cho con bò, con lợn ăn, hay nấu rượu cần bán. Đã không lo thiếu lương thực, mỗi năm tiền bán bò, bán lợn, bán rượu cần gia đình mình còn cầm được từ 30 - 50 triệu đồng. Dành dụm nhiều năm, mình vừa sửa chữa lại nhà ở, lại còn sắm được máy cày, máy cắt chồi”.
Theo nông dân Zuôn Nam ở xã Canh Thuận, mô hình trồng xen nhiều loại cây trồng trên cùng diện tích mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nương rẫy trồng chỉ 1 loại cây trồng như trước đây. “Sản xuất xen canh lúa, đu đủ, chuối, sả, ớt trên 1 ha nương rẫy, riêng cây lúa mỗi vụ thu hoạch được 20 - 30 bao. Khi đu đủ cho thu hoạch, mình hái được mỗi ngày khoảng 20 - 30 gùi. Cả lúa cả đu đủ đều cho thu hoạch gấp 2 - 3 lần so với trước đây”, ông Nam tính toán.
Nếu như trước đây đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vân Canh sản xuất theo kiểu du canh, phát rẫy chỉ làm 1 mùa rổi bỏ, đi nơi khác phát rẫy mới sản xuất mùa mới nên hiệu quả cho rất thấp. Gần 10 năm nay, nhằm giúp đồng bào thiểu số ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, chính quyền huyện Vân Canh phối hợp với các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Canh Liên, Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa… tổ chức tuyên truyền, vận động bà con bỏ tập quán du canh, sản xuất ổn định một diện tích nương rẫy, cử cán bộ kỹ thuật “bám rẫy” để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên 1 diện tích nương rẫy để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện ở Vân Canh còn có nhiều diện tích trồng keo xen mì rất hiệu quả.
Cứ đến tháng 6 dương lịch hàng năm, bà con nông dân bắt tay vào phát dọn rẫy, làm đất, rắc vôi, đào hố, bón phân lót… theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến tháng 9 bà con bắt đầu trỉa lúa, xuống giống các loại cây đu đủ, dứa, ớt, sả… Đến tháng 11 thì bắt đầu thu hoạch lúa, ớt, sả trồng thay vào đó cây chuối, cứ thế xoay vòng, mùa nào thức ấy.
“Lúa rẫy bán được 200.000 - 300.000đ/bao; đu đủ vào những ngày lễ tết bán được giá từ 15.000 - 20.000đ/quả, ngày thường cũng được từ 8.000 - 10.000đ/quả; còn các loại cây sả, ớt, dứa mỗi ngày cho thu nhập từ 100.000 - 150.000đ. Ngày nào nhà mình cũng lên rẫy thu hoạch mỗi thứ mỗi ít mang đi chợ bán”, ông Zuôn Nam bộc bạch.
“Trong hoạt động, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Bình Định luôn ưu tiên xây dựng các mô hình, điểm trình diễn tại các xã miền núi, vùng cao; giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nắm bắt được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Bình Định.
Tin liên quan: