Đăk Lăk là tỉnh có diện tích sắn đứng thứ 3 ở Tây Nguyên sau Gia Lai và Kom Tum. Những năm gần đây sắn không chỉ giữ vai trò là cây lương thực, cây thức ăn gia súc mà còn là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Nông dân trồng sắn của các địa phương thường cho rằng sắn là cây dễ trồng, không kén đất, nên đầu tư ít, chủ yếu trồng trên đất dốc nghèo dinh dưỡng với các giống địa phương và giống đã thoái hóa như: Gòn, Ấn Độ, mỳ nhật, lá tre, KM94 cho năng suất thấp (12 - 18 tấn/ha).
Để giúp cho nông dân trồng sắn hiểu biết thêm các kỹ thuật thâm canh cây sắn theo hướng bền vững, năm 2017 Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã xây dựng mô hình thâm canh sắn bền vững tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk.
Các giống sắn mới gồm: HL- S10, HL- S11, KM140, KM419 được chuyển giao cho bà con nông dân cùng các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kỹ thuật trồng xen… Một số mô hình trồng xen áp dụng đối với đất bằng (độ dốc < 8%) trồng xen 1 hàng lạc hoặc đậu xanh giữa 2 hàng sắn; đất dốc (>15%) được trồng cỏ Paspalum astratum làm hàng rào chắn theo đường đồng mức, khoảng cách giữa các băng cỏ 10 - 20m để chống xói mòn đồng thời làm thức ăn cho gia súc.
Mô hình được triển khai trồng từ tháng 5/2017. Kiểm tra, đánh giá sơ bộ một số mô hình đã xây tại ruộng hộ nông dân, chúng tôi nhận thấy các mô hình trồng giống sắn mới kết hợp với thâm canh bền vững cho các ưu điểm sau:
- Các cây họ đậu trồng xen trong hàng sắn có khả năng che phủ tốt, hạn chế được cỏ dại, đồng thời giảm xói mòn đất ở giai đoạn 3 tháng đầu khi sắn chưa khép tán; sau 3 tháng mô hình xen lạc trong hàng sắn thu hoạch được từ 1,2 - 1,4 tấn quả lạc khô/ha. Phần thân lá được che phủ lên mặt đất nhằm cải thiện dinh dưỡng đất.
- Các giống sắn mới thích hợp với điều kiện sinh thái của vùng, sinh trưởng và phát triển tốt, chưa xuất hiện triệu chứng sâu bệnh như rệp sáp bột hồng, chổi rồng ở các mô thâm canh.
- Dự kiến khi thu hoạch khoảng tháng 2/2018 năng suất sắn đạt khoảng 32 tấn/ha với giá bàn hiện tại 1.500đ/kg, thu được 48 triệu đồng/ha. Ngoài phần thu từ sắn, mô hình có thể thu thêm 6 triệu đồng/ha của cây xen (lạc, đậu xanh); trừ chi phí sản xuất 18 triệu đồng, lợi nhuận thu được từ 1ha mô hình có thể đạt khoảng 36 triệu đồng vượt 40 - 60% so với mô hình của nông dân trồng giống KM94 (25 tấn/ ha).
Xã Ea Sar, huyện Ea Kar hiện có Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đăk Lăk với công suất khoảng 400 tấn củ tươi/ngày sẽ là nơi tiêu thụ sắn củ tươi ổn định cho bà con nông dân.
Các mô hình trồng sắn thâm canh theo hướng bền vững sẽ góp phần tăng năng suất sắn góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh là không tăng diện tích trồng sắn mà vẫn ổn định nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: