Sau hơn 15 năm nỗ lực thực hiện dự án phát triển chè, chè Thái Nguyên tiếp tục khẳng định được vị thế thủ phủ trà Việt trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và chất lượng.
Tất cả đều xuất phát từ việc chuyển dịch nhanh và hiệu quả cơ cấu giống trên những nương chè.
Năm 2001 là mốc quan trọng định vị việc bắt tay vào thực hiện dự án phát triển chè của tỉnh Thái Nguyên. Mục đích lớn nhất của chương trình là cải tạo, trồng mới, thay thế những nương chè trung du già cỗi, năng suất thấp. Đến hết năm 2015, diện tích chè giống mới đã chiếm 56% cơ cấu giống chè.
Thống kê có tới 25 giống chè khác nhau đang tồn tại trên nương các nương chè Thái Nguyên. Tuy nhiên, một số giống chủ đạo tiếp tục được người làm chè đón nhận và tin dùng là LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI 777… Nếu như năm 1997, Thái Nguyên mới có 10.952ha chè; năng suất bình quân 31,48 tạ/ha; đến năm 2009, diện tích 17.309ha, năng suất 98,96 tạ/ha.
Có thể thấy, sau hơn 10 năm, dù diện tích chưa tăng gấp đôi nhưng sản lượng chè đã tăng 5 lần. Chỉ 2 năm sau, hết năm 2011, khi những nương chè kiến thiết chuyển thành nương chè kinh doanh thì Thái Nguyên có gần 18.200ha chè, tăng 1.141ha so với 1 năm trước. Trong đó, trên 16.600ha chè cho sản phẩm, năng suất đạt gần 109 tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha/năm, sản lượng trên 181.000 tấn (gấp 6 lần năm 1997).
Thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có trên 21.000ha chè, năng suất 110 tạ/ha. Điều đáng nói là diện tích trên vẫn tiếp tục nâng lên khi số lượng đăng ký trồng mới và thay thế của người dân vẫn còn. Và tất yếu là năng suất, sản lượng cũng sẽ nâng cao.
Việc chuyển dịch mạnh mẽ là do năng suất của các loại chè giống mới cao hơn hẳn so với chè trung du. Trong khi, chè trung du cho năng suất 70 - 80 tạ/ha thì năng suất trung bình của chè giống mới đạt từ 100 - 110 tạ/ha. Cá biệt chè LDP1 có thể đạt tới 150 - 160 tạ/ha.
Chè giống mới đã làm thay đổi cục diện thị trường và cả tư duy của nhà quản lý cũng như người làm chè. Không chỉ cho năng suất, sản lượng vượt trội mà chè giống mới cũng mang đến chất lượng cao với giá bán mơ ước cho người làm chè.
Cụ thể, từ chỗ giá bán của vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu… vài năm trước chỉ 150.000 - 200.000 đ/kg đã được nâng lên 350.000 - 500.000 đ/kg. Vùng chè Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Sông Công cũng tăng từ 50.000 - 100.000 đ/kg lên trên 200.000 đ/kg. Vùng chè Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình, trước đây với giá vài chục ngàn thì nay đã nâng lên trên 100.000 đ/kg...
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng BQL Dự án chè, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích cho cây chè, đặc biệt là việc thực hiện trợ giá giống chè khi trồng mới và trồng lại, mức trợ giá 30 - 100%. Chính từ nguồn ngân sách như vậy mà tỉnh đã chỉ định được các đơn vị kiểm tra tiêu chuẩn, thẩm định và cấp phép cho SX, cung ứng giống chè.
Những nhà vườn không tham gia vào quy trình trên thì không thể có nguồn hom giống gốc để SX, nếu có thì cũng rất khó để bán giống vì quy mô diện tích đã được thống kê, khoanh vùng và có kế hoạch cụ thể cho từng xóm, từng xã.
Ông Hoàng Văn Dũng cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè trung du chỉ còn chiếm 20% diện tích; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để SX chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...
Thái Nguyên đang xây dựng vườn giống gốc, giống chè đầu dòng tại huyện Đại Từ. Khi đã chủ động giống gốc, đồng thời quy trình SX, cung ứng cây giống đã được quản lý chặt chẽ, vận hành trơn tru thì chắc chắn Thái Nguyên sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vị thủ phủ Trà Việt.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: