Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng giống rau “hoàng đế” (măng tây xanh) của anh Thái, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vào những ngày đầu năm 2019. Đứng giữa 1 ha cây măng tây xanh ngắt với những mầm măng nhú lên mơn mởn, mập mạp, chúng tôi không khỏi rời mắt. Được biết mô hình đã mang về cho anh tiền triệu mỗi ngày.
Được biết, trước đây gia đình anh là một hộ gia đình thuần nông, vốn chỉ trồng các loại rau màu trên đất bãi nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đây cũng là lý do chính khiến anh trăn trở, suy nghĩ. Anh chia sẻ, có lần anh được người bạn rủ đi ăn, tình cờ trong bữa ăn có món rau với cái tên rất lạ - rau “hoàng đế”, khi ăn anh cảm thấy rau rất giòn và ngon, khác với các loại rau anh đã được ăn, đặc biệt giá thành của món rau này rất cao. Do vậy, sau bữa ăn đó đã thôi thúc anh tìm hiểu về giống rau “hoàng đế” và mạnh dạn bàn với gia đình đầu tư xây dựng mô hình trồng măng tây xanh.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương về việc mở rộng diện tích sản xuất và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, anh vay vốn ngân hàng để tổ chức sản xuất. Gia đình anh đã đầu tư trồng 1 ha cây măng tây xanh vào cuối năm 2017, hiện đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Anh chia sẻ: Ban đầu, anh tìm lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua cây giống, học hỏi kinh nghiệm từ đài, báo và đến công ty chuyên về măng tây để được chuyển giao kỹ thuật. Chi phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 400 triệu đồng/1ha để cải tạo đất, mua cây giống, thiết kế hệ thống giàn tưới tự động. Vốn đầu tư ban đầu không nhỏ nhưng chỉ một lần trồng có thể cho thu hoạch 10 năm. Bên cạnh đó, người trồng phải nắm chắc kỹ thuật vì loại cây này đòi hỏi chăm sóc rất công phu, thường xuyên phải cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ. Đặc biệt cần xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật để hạn chế sâu bệnh hại. Chú ý phòng trị kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp, các bệnh mốc sương, phấn trắng, thối rễ, … Vào mùa mưa, măng tây rất dễ bị 1 số bệnh hại như thán thư, mốc sương, thối rễ, đốm lá, thối măng… Nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm khi thu hoạch.
Năm đầu, cây măng tây cho năng suất chỉ từ 0,5 -1 kg măng/sào, đến năm thứ hai, năng suất măng đã tăng gấp đôi, trung bình từ 2 kg măng/sào trở lên. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch lứa đầu phải mất 6- 7 tháng nhưng khi đã cho thu hoạch thì ngày nào cũng có măng để bán. So với các loại cây màu khác, lợi nhuận từ cây măng cao gấp 3 - 4 lần.
Theo anh Thái, vào những tháng mùa đông, măng phát triển chậm, vẫn cho thu hoạch nhưng không nhiều. Khoảng 9 tháng còn lại trong năm, tiết trời ấm, măng cho năng suất cao hơn. Như thời điểm hiện nay, gia đình anh thu được từ 50 - 60 kg măng/ngày. Với giá bán buôn tại vườn bình quân khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg, vườn măng tây đã mang lại doanh thu tiền triệu mỗi ngày cho gia đình anh. Năm 2018, ước tính lợi nhuận anh thu về khoảng trên 200 triệu đồng. Năm 2019, anh Thái dự định sẽ thầu khoán thêm khoảng 0,5 ha đất bãi để mở rộng diện tích trồng măng tây xanh, đồng thời sẽ tư vấn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu trồng măng tây. Anh cũng mong muốn thời gian tới tiếp tục được các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm măng tây xanh của gia đình.
Cây măng tây xanh là cây có nhiều tiềm năng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Mô hình của anh Thái khá thành công và đang tự khẳng định tính hiệu quả nên rất cần được khuyến khích nhân rộng.
Tin liên quan: