Trồng 1 ha cỏ ngọt mỗi năm cho thu nhập 600-700 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, vẫn còn lãi công lao động 450-550 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với cấy lúa và gieo trồng một số cây rau màu khác.
Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có gần 25ha cỏ ngọt đang cho thu hoạch, tổng lượng sản phẩm sau sơ chế ước đạt 50 tấn, giá trị gần 3 tỷ đồng.
Các xã gieo trồng nhiều cỏ ngọt gồm: An Vĩ, Đông Tảo, Tân Dân, Ông Đình và thị trấn Khoái Châu. Dự kiến từ nay đến hết năm, địa phương này sẽ tiếp tục cho thu hơn 200 tấn cỏ ngọt nữa (30-45 ngày thu 1 lứa 50 tấn). Đáng chú ý, hầu hết sản lượng cỏ ngọt ở đây đều đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản xuất luôn không đáp đủ ứng nhu cầu.
Anh Sái Văn Phi (thị trấn Khoái Châu) trồng 0,2ha sào cỏ ngọt, từ đầu năm đến nay đã thu hoạch được 2,5 tấn cỏ khô, sau xuất bán và cân đối thu - chi, vẫn còn “bỏ ống” được hơn 100 triệu đồng. Anh Phi cho biết, trồng cỏ ngọt bận rộn hơn gieo cấy lúa và trồng một số rau màu khác, nhưng tháng nào cũng cho thu nhập cao hơn cả vụ canh tác lúa cùng diện tích.
Ông Lê Văn Dũng, Trưởng thôn Trung (xã An Vĩ) cho biết: Cỏ ngọt đã được đưa vào cơ cấu cây trồng của xã từ gần 30 năm qua, với diện tích gieo trồng thường xuyên trên 10ha. Ngoài thâm canh cao cây cỏ ngọt, một số hộ trong thôn còn đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm này cho nhà nông trên địa bàn.
Ông Trần Văn Thạch (cùng thôn Trung) cho hay: “Cộng với của nhà làm ra, mỗi tháng tôi chỉ gom được già 5 tấn cỏ ngọt cho Công ty nước giải khát Atiso Đà Lạt. Vì thế phải từ chối hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp Hàn Quốc, do yêu cầu số lượng của đơn hàng quá lớn. Trong khi đó, cỏ ngọt Trung Quốc mẫu mã đẹp và rẻ bằng 50% giá cỏ ngọt Việt Nam, nhưng nhập về không thể bán được, vì khách hàng e rằng sản phẩm đã bị rút hết tinh chất. Bởi đã có nhiều trường hợp thuốc bắc đưa vào nước ta cũng chỉ còn cái bã”.
Để trồng cỏ ngọt đạt hiệu quả cao nhà nông cần chọn các chân ruộng dãi nắng, đất thịt pha cát. Thời vụ xuống giống tháng 2-3. Cắt lấy đoạn thân chính màu bánh tẻ làm giống cấy như cấy rau muống. Cày bừa làm nhỏ đất và thu dọn sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,2m, cao 30cm. Sau đó đưa nước ngập rãnh cho thấm ướt đều mặt luống rồi tiến hành cấy giống, đồng thời tiêu rút cạn nước trong ruộng. Mật độ cấy 15-17cm/cây.
Cỏ ngọt được biết đến là một loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan và bổ trợ cho điều trị các bệnh đái tháo đường, dạ dày, cao huyết áp...
Bón thúc khi cây bén rễ hồi xanh (sau trồng 15 ngày) 2kg đạm urê + 10kg lân supe, kết hợp bấm ngọn (kích thích cây phân nhánh). Bón thúc lần 2 (sau trồng 30 ngày) 4-5kg urê + 2kg kali. Tưới nước đủ ẩm đảm bảo đi trên mặt luống không để lại dấu chân. Khi cỏ phát triển cao 45-50cm (sau trồng 60-75 ngày) thì tiến hành thu hoạch. Cắt lấy ngọn và thân cây, chừa lại phần gốc cao 12-15cm có 2-3 cặp lá.
Thu hoạch cỏ vào các ngày nắng ráo. Cỏ thu về rửa sạch bùn đất, thái khúc ngắn 4-5cm, rồi đưa ra phơi nắng đến khô kiệt, mang cân bán cho thương lái. Nếu bảo quản dài ngày phải để nguội cỏ rồi mới đóng vào bao nilon 2 lớp.
Sau thu hoạch, tiếp tục bón đạm, lân, kali cân đối để cỏ tiếp tục phát triển cho thu lứa sau. Chú ý phòng trừ một số đối tượng hại cỏ chính như, sâu ăn lá, bệnh vàng lá... Chỉ luân phiên sử dụng các thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc hoặc vi sinh. Thay thế một phần phân bón hóa học bằng tro bếp và phân hữu cơ hoai mục hay phân hữu cơ vi sinh.
Nếu chăm sóc tốt mỗi năm có thể cho thu 7-8 lứa cỏ, sau 2-3 năm mới phải phá đi trồng lại. Để tránh ruộng cỏ phát sinh nhiều sâu bệnh khó phòng trị, cần luân canh cỏ ngọt với các cây trồng khác họ cúc, chu kỳ luân canh cỏ có thể kéo dài 5-8 năm. Cỏ ngọt là cây ưa nắng nhưng vẫn có thể trồng xen canh trong các vườn cây ăn quả chưa khép tán, để tăng thu nhập.
Theo Nongnghiep.vn
Tin liên quan: