Chè không chỉ có tác dụng phòng chống nhiều bệnh như tim mạch, sỏi mật, tổn thương não ở người đột quỵ… mà lá chè xanh còn chứa nhiều thành phần có tác dụng tăng sức đề kháng, giúp làn da đẹp, cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên cần áp dụng đúng quy trình trồng và chăm sóc chè an toàn.
 
1. Kỹ thuật trồng
 
- Thời vụ: Có hai thời vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 2,3) và vụ thu (tháng 8,9,10).
 
- Giống chè: Sử dụng các giống chè xanh chất lượng, trong danh mục giống cây trồng được Bộ NN-PTNT cho phép.
 
- Chuẩn bị đất trồng: Thiết kế đồng bộ ngay từ đầu hệ thống đường, các công trình phụ trợ, cây che bóng, cây phân xanh.
 
- Kỹ thuật làm đất: Đất trồng phải được cày sâu, vùi lớp đất mặt xuống dưới. Trồng theo hàng với khoảng cách hàng 1,3 - 1,35m; rạch đào với kích thước 40 x 40cm.
 
- Bón phân lót: Phân hữu cơ ủ hoai mục 20 - 30 tấn/ha. Phân lân 600 - 800 kg supe lân/ha. Trộn phân hữu cơ với phân lân rải đều lên rạch hàng đã đào sau đó phủ kín đất tơi xốp lên trên cách mặt đất 5 - 10cm.
 
- Kỹ thuật: Hàng cách hàng 1,3 - 1,35m, cây cách cây 0,35 - 0,4m tương ứng với mật độ 20.000 - 22.000 cây/ha. Trên hàng chè đã bón lót, cuốc hố trồng sâu 20 - 25cm, đặt bầu chè theo một hướng xuôi chiều gió chính, lấp đất, nén đất đều xung quanh bầu sau đó lấp phủ lớp đất tơi trên cổ rễ.
 
2. Chăm sóc chè
 
a. Thời kỳ kiến thiết cơ bản
 
- Kỹ thuật đốn tạo hình: Khi nương chè có khoảng 70% số cây cao từ 65 - 70cm, đường kính gốc > 1,0cm tiến hành đốn tạo hình. Lần 1 khi cây chè 2 tuổi, đốn thân chính cách mặt đất 20 - 25cm, đốn cành bên 35 - 40cm. Lần 2 khi cây chè 3 tuổi, đốn cách mặt đất 30 - 35cm. Thời vụ đốn từ tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau.
 
- Kỹ thuật hái tạo hình: Đối với chè 1 tuổi từ tháng 10 hái bấm ngọn những cây cao từ 60cm trở lên để hạn chế phát triển chiều cao cho chè sinh trưởng phát triển bề ngang.
 
b. Thời kỳ kinh doanh
 
- Hàng năm nên làm cỏ 2 lần vào 2 thời vụ chính.
 
- Đối với cây chè thì độ ẩm là nhân tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Những nơi có điều kiện về nguồn nước, khả năng đầu tư cao thì có thể tưới nước cho chè khi độ ẩm đất thấp.
 
- Bón phân: Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối theo nhu cầu sinh trưởng của cây, ưu tiên phân hữu cơ ủ hoai mục, phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi để bón và tưới cho chè.
 
3. Phòng trừ sâu bệnh
 
Thường xuyên kiểm tra nương chè để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.
 
Biện pháp canh tác: Cày bừa diệt cỏ dại, vệ sinh nương đồi chè, xới xáo diệt nhộng, diệt mầm bệnh, bón phân hợp lý, thay đổi thời kỳ đốn, hái sớm, hái kỹ để loại bỏ trứng sâu, mầm bệnh.
 
Biện pháp thủ công: Loại bỏ lá bị sâu, bệnh hại, trứng rầy xanh, nhện đỏ hại, bắt giết sâu non, trưởng thành khi mật độ sâu thấp. Thu gom tàn dư mầm mống gây bệnh đem tiêu hủy làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
 
Biện pháp sinh học: Trồng cây bóng mát cứ 6 - 8 hàng chè trồng 1 hàng cây bóng mát bằng các loại cây bộ đậu (muồng lá nhọn, muồng hoa vàng...), trồng cùng hàng hay giữa hai hàng chè, mật độ từ 150 - 200 cây/ha. Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Khi dịch hại đến ngưỡng phòng trừ, tiến hành xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có thời gian cách ly ngắn, nhanh phân giải, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học. Hạn chế đến mức thấp nhất thuốc hoá học để đảm bảo duy trì tập đoàn thiên địch có ích, cân bằng sinh thái cho cây chè.
 
khuyennongbacgiang.com