Sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) việc cấy lúa, trồng màu của người dân thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức đã gây ra nhiều hệ luỵ. Nông dân cần tuân thủ liều lượng hướng dẫn trên bao bì khi sử dụng thuốc BVTV Những năm gần đây, người dân thường để đất trống trong vụ đông, cỏ mọc nhiều nên nông dân phải dùng thuốc trừ cỏ khi bước vào sản xuất vụ lúa xuân. Loại thuốc được sử dụng chủ yếu là cỏ cháy, chỉ sau một đêm phun thuốc, cỏ sẽ bị cháy rụi như lửa thiêu. Đang phun thuốc trừ cỏ trên thửa ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Nam, thôn Đông Na, xã Quế Nham (Tân Yên) cho biết: "Để tăng hiệu quả phòng trừ, tôi pha gấp đôi liều lượng so với hướng dẫn trên bao bì. Lần trước phun cỏ đã chết nhưng tôi chưa trồng cây ngay nên cỏ đã mọc trở lại xanh rì. Vì thế lần này tôi phun nhiều hơn". Tại cánh đồng lúa thôn Quảng, xã Phi Mô (Lạng Giang), nhiều nông dân đang phun thuốc trừ cỏ cho lúa xuân. Chị Hoàng Thị Hà cho biết, vụ xuân 2013, gia đình chị cấy 8 sào lúa. Ngay khi cấy xong, toàn bộ diện tích lúa được chị phun thuốc trừ cỏ và trừ ốc. Tuy nhiên khi xem trên bao bì thuốc diệt cỏ Fenrim mà chị Hà đang phun cho thấy nhà sản xuất hướng dẫn pha 1 gói/bình/sào thì chị Hà pha 1,5 gói. Theo chị Hà pha đậm đặc như vậy thì cả vụ mới không phải làm cỏ cho lúa. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, trung bình nông dân sử dụng 4-6 lần thuốc BVTV/năm. Đối với cây màu, số lần sử dụng có thể tăng gấp nhiều lần. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng chi cục BVTV tỉnh cho biết, việc lạm dụng thuốc BVTV nhất là thuốc trừ cỏ sẽ gây ra những hệ luỵ như: làm cho đất chua, đất giữ phân bón kém nên cây trồng hấp thu dinh dưỡng không cân đối, không cho năng suất tối đa. Mặt khác, thuốc BVTV tiêu diệt sinh vật có ích, tạo đà cho sinh vật có hại phát triển nên cây trồng cũng dễ nhiễm sâu bệnh, sinh trưởng kém. Nguyên nhân của tình trạng sử dụng thuốc BVTV quá mức cần thiết là do nông dân chưa quan tâm đến mặt trái của các loại thuốc này dẫn đến sử dụng tùy tiện, có tâm lý càng phun nặng hiệu quả phòng trừ càng cao. Bên cạnh đó, tại một số nơi nông dân còn dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Có trường hợp không cần thiết phải sử dụng thuốc trừ cỏ nhưng người dân vẫn sử dụng. Những năm gần đây, một số biện pháp canh tác tiên tiến đã được ngành nông nghiệp ứng dụng có hiệu quả như: trồng khoai tây bằng cách làm đất tối thiểu, ủ rơm rạ thành phân hữu cơ, canh tác cây trồng theo quy trình VietGAP… Ưu điểm của những phương pháp này là cây trồng ít sâu bệnh, năng suất cao hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình còn gặp khó khăn. Năm 2009, mô hình "Xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng và tái chế thành phân hữu cơ cho cây trồng" do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai trong vụ mùa tại thôn Đông Nứa, xã Đoan Bái (Hiệp Hoà). Theo Bí thư Đảng uỷ xã Đặng Văn Thiện, dù chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo, vận động người dân ứng dụng mô hình, tuy nhiên do tốn nhiều công nên đến nay không còn hộ nào áp dụng. Phần lớn sau vụ thu hoạch, người dân vẫn đốt rơm rạ vừa ô nhiễm môi trường lại lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có. Ngoài ra, các biện pháp canh tác quy trình VietGAP, canh tác nông nghiệp an toàn áp dụng trên một số cây trồng như: vải thiều, rau mà chưa được phổ biến rộng rãi. Trước thực trạng này, để giảm sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất, cơ quan chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ưu điểm cũng như mặt trái của thuốc BVTV. Tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng"; ứng dụng rộng rãi quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn: VietGAP, SRI (hệ thống các biện pháp nâng cao năng suất lúa), "3 giảm, 3 tăng". Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc trong danh mục cấm. Nguồn Báo Bắc Giang
Tin liên quan: