Hiện nay, nhiều nông dân vẫn quan niệm chỉ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản mới gây hại đối sức khỏe con người.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng thực tế, nếu bón đạm không đúng cách sẽ khiến hàm lượng nitrat trên rau, củ, quả vượt ngưỡng, chuyển hóa thành nitrit trong quá trình chế biến gây nên các bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có bệnh ung thư.
Để hạn chế hàm lượng nitrat trong nông sản, nông dân phải có những hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho cây trồng để đạt được năng suất cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước hết cần chọn vùng có hàm lượng kim loại nặng không vượt quá ngưỡng như: Pb, As, Cu, Zn, Cd và không bị ô nhiễm về nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, xa bệnh viện, đường giao thông để hạn chế mối nguy gây hại cho sản phẩm nông nghiệp như: Kim loại nặng, nitrat, vi sinh vật có hại. Không dùng nguồn nước bị ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải khu chăn nuôi, ao tù… tưới cho rau.
Chỉ nên dùng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục nhằm hạn chế nguồn bệnh, nguồn vi sinh vật có hại, giảm hàm lượng nitrat và cây trồng dễ hấp thu. Đặc biệt không dùng phân tươi hoặc chất thải của gia súc tưới trực tiếp cho rau. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh hoặc các chế phẩm sinh học khác để thay thế đạm, lân, kali vô cơ.
Nếu phải dùng các loại phân bón vô cơ thì tập trung bón vào giai đoạn đầu của cây trồng như: Bón lót, bón thúc giai đoạn phát triển thân lá, hạn chế bón các loại phân vô cơ về cuối vụ nhất là các loại đạm đơn, phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao hoặc chất kích thích sinh trưởng. Chú ý bảo đảm thời gian cách ly trước thu hoạch với rau ăn lá 7-10 ngày và rau ăn củ, quả 10-15 ngày. Làm được như vậy tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng khỏe và hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, giảm được hàm lượng nitrat trong sản phẩm.
Theo BGĐT
Tin liên quan: