Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vi phạm quy định. Thông tin này khiến người sản xuất khá lo ngại bởi nguy cơ cao mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
 

 
Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc BVTV tại một cửa hàng ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).
 
Hàm lượng hoạt chất thấp
 
Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) vừa phối hợp kiểm tra đột xuất ba cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác đã lấy 16 mẫu gửi cơ quan chuyên môn độc lập tại TP Hồ Chí Minh phân tích. Kết quả phát hiện ba mẫu thuốc không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cụ thể, thuốc Carbatoc 50EC loại 240 ml/chai, ngày sản xuất 21-9-2017 tại cửa hàng Đạt Nhĩ, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) có hàm lượng hoạt chất chỉ bằng một nửa so với quy định. Loại thuốc này do Công ty cổ phần Nông dược Việt Nam (Hà Nội) phân phối. Tương tự thuốc Sieu fitoc 150 EC loại 220 ml/chai tại cửa hàng Hương Thịnh, xã Hồng Giang (Lục Ngạn), sản xuất ngày 1-9-2016 cũng chỉ có hàm lượng hoạt chất Abamectin đạt 6,7 g/lít, thấp hơn 5,3 g/lít so với yêu cầu (thuốc do Công ty TNHH Hóa chất Nông nghiệp Việt Long phân phối, Công ty cổ phần Hóa Nông Mỹ Việt Đức, Hà Nội đứng tên đăng ký). Thuốc Redtoc 100 EC loại 100 ml/chai, sản xuất ngày 11-3-2016 của cửa hàng Đoàn Hằng, thôn Hậu, xã Đại Lâm (Lạng Giang) có hàm lượng hoạt chất Alpha cypermethrin là 27,1 g/lít trong khi tiêu chuẩn phải đạt là 50 + _  5g/lít. Sản phẩm do Công ty TNHH Vipes Việt Nam (Hà Nội) phân phối. 
 
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Trồng trọt và BVTV), với kết quả phân tích như trên, các mẫu thuốc đều kém chất lượng. Ngay khi phát hiện, với nhiệm vụ được giao, Chi cục đã tổ chức niêm phong toàn bộ lô hàng; đồng thời xử phạt hành chính cơ sở kinh doanh, yêu cầu chủ cửa hàng trả lại hàng hóa vi phạm cho đơn vị sản xuất. Thực hiện yêu cầu trên, các đại lý đã thực hiện trả hàng. Đơn cử, Công ty cổ phần Nông dược Việt Nam đã nhận bàn giao hơn 1,1 nghìn chai Carbatoc 50EC-240 ml để tái chế; Công ty TNHH Hóa chất Nông nghiệp Việt Long nhận lại 280 chai Sieu fitoc 150 EC còn tồn tại cửa hàng Hương Thịnh (Lục Ngạn). Được biết, vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuộc trách nhiệm xử lý của Cục BVTV. 
 
Quản chặt đơn vị sản xuất
 
Quy định hàm lượng hoạt chất tiêu chuẩn trong mỗi loại thuốc BVTV thương phẩm đã được nghiên cứu khoa học nhằm bảo đảm diệt trừ sâu, bệnh tương ứng trên cây trồng. Việc các nhà sản xuất “bớt” liều lượng trong thành phẩm so với quy định sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết là khiến người tiêu dùng mất tiền song không mua được sản phẩm đúng với giá trị. Nguy hại hơn cả là sâu bệnh không được diệt trừ kịp thời, gây hại mùa màng. Bà Đinh Thị Ca, thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng) nói: “Gia đình tôi mỗi vụ cấy hơn một mẫu lúa. Có thời điểm, sâu bệnh hại lúa, tôi mua thuốc về phun theo đúng hướng dẫn nhưng không có kết quả, thậm chí còn gây hại mạnh hơn. Tôi đành phải sử dụng loại thuốc khác, phun nhiều đợt nhưng năng suất vẫn đạt thấp, khoảng 1,5 tạ thóc/sào”.
 
Bảo đảm, chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất
Thuốc nhập về đều được cơ quan chức năng cấp phép, có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, đây là hàng hợp pháp song chất lượng ra sao, chủ đại lý không thể nắm được mà cần cơ quan chuyên môn. Vì vậy, tôi đề nghị cần quản lý từ nhà sản xuất và gắn trách nhiệm của cả các cơ quan liên quan cấp phép cho sản phẩm lưu thông".
 
Chị Nguyễn Thị Thoan, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang)
Từ thực tế trên cho thấy, việc xử phạt các đại lý vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV là bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, một số chủ cửa hàng cho rằng, công tác quản lý cần đa chiều hơn. Chị Nguyễn Thị Thoan, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc trừ sâu tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cho biết: “Đến nay tôi nhận phân phối, bán lẻ cho nhiều hãng thuốc trừ sâu được hơn 20 năm. Thuốc nhập về đều được cơ quan chức năng cấp phép, có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, đây là hàng hợp pháp song chất lượng của thuốc chính hãng ra sao thì chủ đại lý không thể nắm được mà phải cơ quan chuyên môn mới đủ khả năng. Vì vậy, tôi đề nghị cần quản lý từ nhà sản xuất và gắn trách nhiệm của cả những cơ quan liên quan cấp phép cho sản phẩm lưu thông”. 
 
Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng quản lý thuốc BVTV từ khâu sản xuất có vai trò quan trọng. Đây là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa sản phẩm kém chất lượng cung cấp đến người tiêu dùng. Bởi lẽ, thời gian phân tích mẫu thuốc BVTV tương đối dài, bình quân khoảng nửa tháng mới có kết quả. Trong thời gian chờ phân tích, chủ cửa hàng, đại lý vẫn bán sản phẩm bình thường, khi phát hiện sai phạm lại không thể thu hồi được. Lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý niêm phong đối với hàng hóa còn tồn tại cửa hàng. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của người dân không được bảo đảm nếu mua phải thuốc BVTV kém chất lượng. 
 
Thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vậy mà, mới kiểm tra ba trong tổng số hàng nghìn cửa hàng, đại lý bán mặt hàng này trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm. Năm nay, dự báo sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV của bà con sẽ tăng cao. Trong khi đó, việc lấy mẫu, kinh phí phân tích hạn hẹp, lực lượng mỏng khiến nông dân gặp nhiều rủi ro khi mua thuốc BVTV. Ông Vũ Đắc Biên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng đoàn Liên ngành kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp tỉnh khẳng định: “Chúng tôi đã kiện toàn đoàn kiểm tra. Hiện đoàn đang tập trung lấy mẫu thuốc tại những cửa hàng thuộc ở địa bàn trọng điểm về cây ăn quả, rau màu của tỉnh để phân tích. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.
 
Theo BGĐT