Những năm qua diện tích cây sắn (mì) tăng trưởng mạnh ở Bình Định, nhất là khi cây mía đã bị “thất sủng”.
Thời gian gần đây, nhiều vùng sắn trên cả nước bị nhiễm bệnh khảm lá, nhưng cây sắn ở Bình Định vẫn phát triển tốt nhờ sử dụng nguồn giống sạch.
Nông dân Bình Định trồng giống sắn sạch bệnh
Hiện Bình Định có khoảng 12.000 - 13.000ha sắn. Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay, người trồng sắn trong tỉnh không trồng giống HL-S11 là giống sắn đang bị bệnh khảm lá tấn công và không lấy nguồn hom giống từ Tây Ninh, nơi đang bị bệnh khảm lá sắn hoành hành, mà lấy trực tiếp từ Trung tâm Nghiên cứu cây trồng cạn Hưng Lộc (thuộc Viện KHKT nông nghiệp miền Nam).
 
“Giống sắn HL-S11 được “sinh ra” tại Trung tâm Nghiên cứu cây trồng cạn Hưng Lộc. Trong khi đó, bệnh khảm lá sắn chủ yếu gây hại trên giống này, đây là 1 trong những giống sắn nằm trong chương trình nghiên cứu của CIAT.
 
Trong thời gian bệnh khảm lá sắn hoành hoành tại nhiều vùng sắn, nhân chuyến công tác miền Nam tôi có ghé thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng cạn Hưng Lộc để tìm hiểu về giống sắn HL-S11 thì được biết, vừa rồi CIAT có sang Trung tâm lấy mẫu giống sắn HL-S11 để kiểm nghiệm thì không thấy có virus khảm lá sắn. Thế nhưng khi giống này đưa lên Tây Ninh thì bị nhiễm bệnh nặng. Bình Định cũng đã triển khai một số mô hình trình diễn, khảo nghiệm giống sắn HL-S11 nhưng không thấy bệnh khảm lá xuất hiện”, bà Nguyễn Thị Tố Trân cho biết.
 
Theo ngành nông nghiệp Bình Định, hiện nông dân tỉnh này chủ yếu trồng giống sắn KM94, chiếm đến trên 95% diện tích. Tính đến nay, chưa giống nào “qua mặt” giống KM94 về năng suất, hàm lượng tinh bột và tính thích ứng cao đối với đồng đất tỉnh này.
 
“Hiện một số giống sắn có xuất xứ từ miền Nam có năng suất rất cao, làm sắn lát phơi khô rất hiệu quả, nhưng nếu đưa vào nhà máy chế biến tinh bột sắn thì được thu mua với giá không cao hơn giống KM94 bởi hàm lượng tinh bột thấp”, bà Trân nói.
 
Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, ở những vùng trồng sắn thâm canh trên địa bàn tỉnh, nông dân luôn chủ động phòng trừ bệnh khảm lá trên cây sắn. Các Trạm Trồng trọt và BVTV tuyến huyện thường xuyên bố trí cán bộ đi kiểm tra các vùn sắn, khi phát hiện có bọ phấn hoặc rệp sáp, những đối tượng môi giới truyền bệnh khảm lá sắn thì lập tức hướng dẫn nông dân cách xử lý kịp thời, nên khống chế được bệnh.
 
“Ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo nông dân không lấy giống từ những vùng sắn bị nhiễm bệnh về trồng, sắn trồng đại trà ở Bình Định đều có nguồn giống sạch bệnh, nên hiện vẫn kiểm soát được bệnh khảm lá sắn”, ông Kiều Văn Cang cho hay.
Theo nongnghiep.vn