Đó là khẳng định của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh về nguyên nhân khiến một số diện tích cam trên địa bàn huyện Vũ Quang bị rụng quả hàng loạt.
Hiện tượng rụng quả là cá biệt
Hơn 2.500ha cam (trong đó 1.500ha đã cho quả) tại huyện Vũ Quang đang bước sang giai đoạn chín bói, khoảng cuối tháng 11 tới vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, một số vườn cây trên địa bàn xã Đức Bồng, Hương Thọ, Đức Lĩnh… có hiện tượng rụng quả nhiều hơn so với các năm trước. Ngay sau đó, một số người cho rằng cam bị rụng hàng loạt do dịch bệnh.
Hiện tượng cam rụng ở Vũ Quang nói riêng, Hà Tĩnh nói chung thời gian qua là hiện tượng sinh lý bình thường
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang và lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc nhận định cam rụng quả do dịch bệnh là thiếu chính xác, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh loài quả chủ lực của địa phương.
Ông Sơn nói: “Toàn huyện có hơn 4.000 hộ trồng cam với diện tích hơn 2.500ha thì chỉ có khoảng 20 hộ xảy ra hiện tượng cam rụng nhiều hơn so với các năm trước. Hiện tượng này chỉ là cá biệt và chủ yếu rơi vào những vườn cam già cỗi, tuổi thọ từ 7 – 15 năm; chế độ chăm sóc bất hợp lý”.
Cùng ý kiến, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh khẳng định: “Hiện tượng cam rụng thời gian vừa qua không chỉ diễn ra ở Vũ Quang mà còn xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cây cam. Bên cạnh đó, do tác động của một số yếu tố như ruồi đục quả gây hại, bướm lâm nghiệp chích hút, quá trình chăm sóc và khai thác của người dân không đúng quy trình kỹ thuật (bón phân không cân đối, cây thiếu dinh dưỡng, số lượng quả để quá nhiều trên cây) nên mới dẫn đến tình trạng quả rụng nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Lý, thôn 8, xã Đức Bồng thừa nhận, vườn cam của gia đình ông đã trồng và cho thu nhập ổn định trong 10 năm qua. Sau khi phát hiện một số cây rụng quả nhiều (tỷ lệ phổ biến 1 – 2%, nơi cao 3 – 5%), có biểu hiện bị sâu đục thân, bệnh nứt thân xì mủ, bệnh muội đen gây hại, ông đã đến các đại lý mua thuốc BVTV về phun nhưng tình trạng rụng quả vẫn không được cải thiện. Gia đình ông đang có kế hoạch trong một vài năm tới sẽ phá bỏ để trồng lại vườn cây mới.
Khảo sát đối chứng vườn cam 7ha của anh Lê Xuân Tự và ông Quang, ở thôn 3, xã Đức Bồng cho thấy, hiện tượng rụng quả cũng đã xảy ra một thời gian. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rụng sinh lý với tỷ lệ 1 – 2%, nằm trong giới hạn cho phép. Nhìn chung cây sinh trưởng bình thường, bộ lá xanh tốt, quả đồng đều, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được thực hiện đảm bảo quy trình, quả bắt đầu bước vào giai đoạn chín, dự kiến từ 15/11 – 15/12 sẽ chính vụ thu hoạch tập trung.
“Năm nay thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho các loài sâu bệnh phát triển nhưng nhờ có chế độ cung cấp dinh dưỡng hợp lý, phun thuốc phòng trừ kịp thời nên tỷ lệ cam rụng của gia đình tôi cũng bình thường như các năm trước”, anh Tự nói.
Tỉa quả là yếu tố rất quan trọng
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, cây cam có hai chu kỳ rụng quả. Lần đầu là khi chia quả, lần hai là rụng quả sinh lý, tuy nhiên, chỉ là rụng lác đác chứ không bị rụng hàng loạt. Nếu qua hai thời kỳ này quả vẫn rụng mà không có bệnh, thì có thể là do thời tiết và chế độ canh tác của người dân chưa hợp lý. Những quả xanh, đẹp vẫn rụng là do cây yếu, để tồn tại bắt buộc cây phải đào thải bớt quả.
“Lâu nay người dân trên địa bàn vẫn có thói quen bắt cây cam “cõng” số lượng quả quá lớn mà không nghĩ đến tác hại của nó. Vì vậy, để tăng tuổi thọ cho cây và tăng năng suất cam bà con cần thực hiện việc tỉa, tuyển chọn quả từ đầu vụ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến cáo các hộ sản xuất cần kịp thời thu gom quả bị rụng để hạn chế nguồn sâu bệnh. Đối với những diện tích già cỗi, chăm sóc kém thì tiếp tục chăm sóc đúng quy trình, tiến hành bón phân, vệ sinh vườn và phòng trừ sâu bệnh sau khi thu hoạch, đặc biệt bón bổ sung phân hữu cơ; đồng thời có kế hoạch tái canh với những diện tích sinh trưởng kém, năng suất thấp.
Đối với diện tích rụng quả do bướm lâm nghiệp, ruồi đục quả, thực hiện các giải pháp kỹ thuật như bao quả, bao cây, sử dụng điện chiếu sáng vào ban đêm để xua đổi, dùng bẫy protein để dẫn dụ và tiêu diệt ruồi đục quả.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 7.532ha cam các loại. Trong đó, cam chanh 6.140ha; cam bù 1.192ha. Diện tích trồng mới 9 tháng đầu năm 2018 là 600ha; diện tích cam cho thu hoạch 3.981ha; năng suất ước đạt hơn 111tạ/ha; sản lượng ước trên 44.300 tấn.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: