Trước đây, vào vụ thu hoạch, nông dân Tân Yên (Bắc Giang) lại phải xoay sở tìm đầu ra cho nông sản, thậm chí bị thua lỗ vì không có người mua. Nút thắt này nay đã được tháo gỡ bởi trên địa bàn huyện có nhiều mô hình liên kết sản xuất.
 
 

HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến thu mua khoai tây chế biến cho nông dân.
 
 
 
Mô hình đầu tiên là HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến ở thôn Trám, xã Phúc Sơn. Năm 2013, HTX được thành lập với 7 xã viên, đã tạo bước đột phá trong sản xuất, giúp nông dân thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
 
 
 
Trước đây, thôn Trám là một trong những thôn nghèo của huyện. Thế nhưng giờ đây, diện mạo làng quê cũng như đời sống người dân thay đổi rõ nét. Thôn trở thành điển hình về sản xuất nông nghiệp hàng hóa không chỉ ở Tân Yên mà trong toàn tỉnh. Kết quả nổi bật đó là do Ban chủ nhiệm HTX tích cực vận động nông dân dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu sản xuất khoai tây chế biến và hạt giống lúa lai, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết với một số công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
 
 
Không chỉ vậy, để người dân tin tưởng làm theo, Chủ nhiệm HTX kiêm trưởng thôn trực tiếp thuê hơn 10 ha ruộng sản xuất. Chỉ trong ba tháng, thôn Trám đã dồn điền đổi thửa xong toàn bộ 30 ha. Trước khi vào vụ mới, HTX liên kết với một số doanh nghiệp có uy tín ký hợp đồng bao tiêu nông sản; cung ứng trước giống, phân bón và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời huy động vốn của xã viên xây dựng nhà xưởng, mua máy làm đất, máy sấy thóc, máy dỡ khoai tây để thuận tiện và rút ngắn thời gian thu hoạch.
 
 
 
Ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện nay, người dân trong thôn không sản xuất manh mún theo kiểu mạnh ai người ấy làm như trước mà thực hiện “4 cùng”: Cùng sản xuất một giống, xuống giống cùng thời điểm, cùng chăm sóc và thu hoạch đồng loạt nên sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng”. Đặc biệt, vụ đông năm 2014, các hộ dân còn được tiếp cận với quy trình sản xuất 20 khoai tây theo quy chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu thông qua Công ty Tân Nông.
 
 
 
Ông Dương Văn Liên, xã viên nói: “Tôi thuê 6 ha ruộng sản xuất hạt lai và khoai tây. Vụ nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm, trừ chi phí mỗi năm lãi khoảng 500 triệu đồng. Vụ đông năm nay, tôi tiếp tục trồng khoai tây trên toàn bộ diện tích này”. Từ sản xuất hạt lai và khoai tây, năm ngoái, toàn thôn thu được khoảng 7 tỷ đồng, 2/3 số hộ có thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng/năm. Thôn không còn hộ nghèo. Năm 2014, HTX được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
 
 
 
Ngoài HTX Tân Tiến,  Hội Sản xuất và tiêu thụ lạc giống Tân Yên cũng là một điển hình liên kết hiệu quả được thành lập năm 2012 với 51 thành viên ở các xã trong huyện. Tân Yên là vùng sản xuất lạc lớn nhất tỉnh với diện tích 2.000 ha/năm. Trước đây, thu hoạch lạc xong, các hộ chủ yếu phơi khô rồi bán lẻ ở chợ. Do sản lượng nhiều, các hộ không thể tiêu thụ hết cùng một lúc nên không ít lần gặp trời mưa kéo dài, lạc bị ẩm mốc, thiệt hại về kinh tế. Tình trạng này cơ bản được khắc phục kể từ khi Hội Sản xuất và tiêu thụ lạc được thành lập.
 
 
 
Anh Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội cho biết: “Ngoài thu mua trực tiếp tại nhà, Hội còn liên kết chi hội trưởng nông dân, trưởng các thôn trồng lạc diện tích lớn ở các xã: Lam Cốt, Nhã Nam, Song Vân, Ngọc Thiện... để đặt 15-20 điểm cân. Mỗi năm, Hội thu mua từ 2-3 nghìn tấn lạc giống và thương phẩm cho nông dân với tổng số tiền quay vòng khoảng 20 tỷ đồng”. Hiện nay, có 10 hội viên đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị 20 máy sấy khô nên không còn tình trạng lạc bị ẩm mốc như trước.
 
 
 
Đặc biệt, cân lạc xong, nông dân được trả tiền ngay. Sau khi sơ chế, sản phẩm được đóng bao, gắn nhãn mác đối với lạc giống đạt tiêu chuẩn củ to, đồng đều và giao cho một số công ty giống ở các tỉnh miền Trung. Lạc thương phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Được biết, lạc giống Tân Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
 
 
 
 Hải Minh http://baobacgiang.com.vn/