Đốn tỉa cành sau thu hoạch là biện pháp kỹ thuật cơ bản trong thâm canh vải thiều.
 
Đốn tỉa cành đúng kỹ thuật có tác dụng làm cho cây có tán đẹp, thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, phát huy hiệu quả của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. 
 
Ngay sau khi thu hoạch xong quả (hạ tuần tháng 5 đến thượng tuần tháng 7 tuỳ giống chín sớm hay chín muộn), người làm vườn cần tiến hành đốn tỉa tán cho vải. 
 
Dùng dao hay kéo sắc cắt sâu vào bề mặt tán nhằm làm giảm chiều cao của tán, thu hẹp diện tích tán, tạo cho tán có hình bán cầu đẹp. Tiến hành tỉa những cành la, cành vóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt (cành tược) trong tán làm cho lòng tán có hình phễu thông thoáng giúp cho ánh sáng chiếu vào làm giảm độ ẩm trong tán, hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của sâu, bệnh hại. 
 
Tỉa cành nhỏ trên bề mặt tán, với những cành khoẻ đường kính trên 1cm, nên để hai nhánh hình ngạnh trê. Những cành yếu, đường kính cành nhỏ trên 1cm chỉ để một nhánh khoẻ, cắt bỏ các nhánh còn lại, loại bỏ các lá già và các lá bị bệnh. 
 
Sau khi tạo tán xong, tiến hành tưới ẩm và bón thúc phân cho vải, giúp cho cây nhanh phục hồi lại và phát lộc hè được thuận lợi. 
 
Sau khi lộc hè thành thục, cần tiến hành tỉa lộc định cành. Nếu lộc sinh trưởng mạnh thì mỗi đầu cành để 2 cành lộc, ngược lại các lộc yếu chỉđể một cành lộc. Các cành lộc trong tán cũng tỉa thưa hợp lý, khôngđể rậm rạp quá, vẫn bảo đảm cho lòng tán được thông thoáng, những lộc trong tán này cũng có khả năng cho thu quả. 
 
Đối với cây vải khoẻ trên 5 năm tuổi, cần chăm sóc sao cho ra được 3 đợt lộc (2 đợt lộc hè và 1 đợt lộc thu), đợt lộc thứ 3 cần kết thúc trong tháng 10, tạo điều kiện hình thành cành quả cho năm sau được thuận lợi, chống hiện tượng ra quả cách năm. 
 
Sau khi cây vải có đợt lộc thứ 3 thành thục, người làm vườn nên tiến hành cắt tỉa cành thêm 1 lần nữa, loại bỏ bớt những cành tăm, cành sâu, bệnh, cành gối nhau, giúp cho vải chuẩn bị bước sang giai đoạn phân hoá mầm hoa được thuận lợi. 
 
Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.
 
(HM Sưu tầm)