I. Giới thiệu chung về cây bưởi Diễn
 
                1.1. Giống
 
                Bưởi Diễn có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng, được đưa về trồng đầu tiên tại xã Phú Diễn - huyện Từ Liêm - TP Hà Nội. Giống có quả tròn, vỏ quả nhẵn, khi chín màu vàng cam; khối lượng trung bình từ 0,8 - 1kg; tỷ lệ phần ăn được từ 55 - 60%; số hạt trung bình khoảng 50 - 70 hạt; múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu vàng xanh hoặc màu vàng, ăn giòn, ngọt, độ brix 12 -14 %. Với vườn cây từ 7 tuổi trở nên, năng suất đạt từ 25 - 28 tấn/ha trong điều kiện chăm sóc trung bình. Thời gian thu hoạch muộn hơn bưởi Đoan Hùng, thường trước tết nguyên đán khoảng 15 - 20 ngày. Hiện tại, cây bưởi Diễn được trồng ở khá nhiều vùng sinh thái khác nhau như: Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Giang và ngày càng khẳng định tính ưu việt của giống so với các giống bản địa.
 
                1.2. Một số yêu cầu ngoại cảnh
 
                * Nhiệt độ
 
                 Nhiệt độ bình quân năm thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây bưởi là 12 - 390C. Nhiệt độ thấp nhất gây chết là - 8 đến – 110C, bưởi có thể chống chịu được khi nhiệt độ lên đến 480C. Nhiệt độ thích hợp nhất cho sinh trưởng của bưởi là 23 - 290C. Những vùng có nhiệt độ bình quân năm trên 200C và tổng tích ôn từ 2.500 - 3.5000C đều có thể trồng được bưởi. 
 
                * Nước và độ ẩm
 
                Lượng mưa trung bình năm thích hợp cho trồng bưởi là 1.250 - 1.850 mm. Bưởi yêu cầu lượng mưa phân bố đều trong năm hơn lượng mưa lớn nhưng tập trung vào một số ít tháng. Bưởi cần nhiều nước ở thời kỳ bật mầm, phân hoá mầm hoa, ra hoa và  quả phát triển.  Bưởi không chịu được úng, ẩm độ đất thích hợp là 70 - 80%.
 
                * Đất đai
 
                Vùng trồng bưởi phải đất phải có tầng canh tác dày ít nhất 0,6 - 1m; thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, đất tơi xốp, thông thoáng và thoát nước tốt. Đất phải giầu mùn, hàm lượng các chất dinh dưỡng phải đạt mức trung bình trở lên (hàm lượng mùn từ 2 - 3%; N tổng số: 0,1 - 0,15%; P2O5 dễ tiêu từ 5 - 7mg/100g; K2O dễ tiêu từ 7 - 10mg/100g; Ca, Mg: 3 - 4mg/100g).
 
pH đất thích hợp nhất cho cây trồng bưởi là từ  5,5 - 6,0.
 
                * Ánh sáng
 
                Cường độ ánh sáng thích hợp cho trồng bưởi là 10.000 - 15.000 Lux (tương ứng với ánh sáng lúc 8 giờ sáng và 16 giờ chiều). Cần bố trí mật độ trồng dày hợp lý có được ánh sáng tán xạ, tránh được dám quả.
 
                * Yêu cầu về các yếu tố khác
 
                Vùng trồng bưởi thích hợp cần tránh những vùng có độ dốc lớn (trên 150), đất nhiễm phèn, mặn, những vùng có sương muối, gió bão… gây hại.
 
                II. Những quy định chung đối với trồng Bưởi Diễn theo hướng Viet-GAP
 
                Viet-GAP(Vietnamese Good Agricultural Practices) hay còn gọi là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam. Đó là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng caao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ  môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
 
                2.1. Phạm vi áp dụng
 
                Quy trình này áp dụng để sản xuất bưởi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
 
                2.2. Đối tượng áp dụng
 
                Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm quả tươi an toàn, nhằm:
 
- Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm.
 
- Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất và được chứng nhận Viet-GAP.
 
- Đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
 
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả cho sản xuất rau quả tươi tại địa phương.
 
                 III. Kỹ thuật trồng bưởi Diễn theo hướng Viet-GAP
 
                3.1. Quy hoạch và thiết kế vùng trồng
 
                * Quy hoạch
 
                Để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm, việc lựa chọn vùng trồng là rất quan trọng. Vùng trồng có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy hiểm như: vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng, chất thải, … Vì vậy, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử, các mối nguy hại về sinh học, hóa học, vật lý, đánh giá khả năng ô nhiễm đất, nước của vùng trước khi trồng.
 
Tổ chức lấy mẫu đất nước theo phương pháp hiện hành, kết quả được so sánh với mức tối đa cho phép và điều kiện sản xuất an toàn.
 
Lập sơ đồ đối với vùng trồng/trang trại phù hợp quy hoạch trồng từng loại cây ăn quả của huyện. Vị trí phải thuận tiện giao thông, có nơi bảo quản vật tư nông nghiệp và các điều kiện hạ tầng khác.
 
Thực hiện ghi chép và lưu hồ sơ.
 
                * Thiết kế
 
                - Đất trồng bưởi có tầng dầy từ 1 m trở lên, đất phù sa ven sông, đất bồi tụ, đất rừng mới khai phá, đất thung lũng, đất phù sa cổ, có hàm lượng mùn cao, cao ráo, thoát nước, mực nước ngầm dưới 1m, kết cấu xốp để giữ mầu, và thoát nước tốt, giàu mùn. Độ dốc từ 3 – 200 (tốt nhất là 3 – 80). Độ pH thích hợp trong đất từ 5,5-6.
 
                - Phát quang và san ủi mặt bằng:
 
                Đối với những đồi rừng chuyển sang trồng bưởi Diễn đều phải phát quang, đánh bỏ toàn bộ rễ cây rừng và san ủi tạo mặt phẳng tương đối để cho việc thiết kế vườn được dễ dàng. Trừ những nơi đất quá dốc (từ khoảng 100 trở lên) sẽ áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, nghĩa là chỉ phát quang, dãy cỏ, san lấp những chỗ quá gồ ghề sau đó thiết kế và đào hố trồng cây, còn ở những nơi đất không quá dốc hoặc bằng, sau khi phát quang, san ủi sơ bộ có thể cày một lượt để vừa sạch cỏ vừa tạo cho bề mặt vườn tơi xốp ngăn được sự bốc hơi nước của vườn sau khi bị phát quang.
 
Đối với các loại đất chuyển đổi khác sang trồng bưởi Diễn cũng cần phải dọn sạch và tạo lại mặt bằng trước khi thiết kế.
 
                - Thiết kế vườn trồng
 
                + Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp. Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 - 50 nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu). Đất có độ dốc từ 5 - 100 phải trồng cây theo đường đồng mức, khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức. Ở độ dốc 8 - 100  nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, trên 100 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố.
 
                + Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1ha không cần phải thiết kế đường giao thông, song với diện tích lớn hơn thậm chí tới 5 - 10 ha cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 - 1ha/lô và có đường giao thông rộng để có thể vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi.
 
                3.2. Giống
 
                Hiện nay, nhân giống cây ăn quả có múi nói chung và bưởi Diễn nói riêng chủ yếu bằng phương pháp ghép, chiết. Cành chiết, mắt ghép, cành ghép cần được lựa chọn từ những vườn cây mẹ đã cho quả ổn định và tuyệt đối sạch bệnh.
 
                Cây giống phải được nhân từ cây mẹ đầu dòng tuyển chọn và phải đạt tiêu chuẩn ngành 10 TCN - 2001, cụ thể: cây giống sản xuất bằng phương pháp ghép phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có ít nhất 2 cành cấp 1 và không nhiều quá 3 cành. Đường kính cành ghép cách điểm ghép đạt từ 0,5 - 0,7 cm; dài từ 50 cm trở lên; có bộ lá xanh tốt, không sâu, bệnh.
 
                Nếu giống là nhánh chiết tiêu chuẩn chọn cây lấy cành chiết có từ 5 năm tuổi trở lên, cây sai quả, quả to, vỏ đẹp, quả có ít múi và múi to.
 
                Giống phải đảm bảo tuyệt đối sạch bệnh, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
 
                Trong hồ sơ ghi rõ các thông tin liên qua đến người cung cấp giống, đặc điểm giống, phương pháp ghép, nguồn gốc giống, các hóa chất sử dụng.
 
                3.3. Thời vụ
 
                Thời vụ trồng thích hợp đối với miền Bắc:
 
                - Vụ xuân: tháng 2-4 (dương lịch).
 
                - Vụ thu: tháng 8-10 (dương lịch).
 
                3.4. Khoảng cách, mật độ
 
Khoảng cách: 3m x 4m hoặc 4m x 4m.
 
Mật độ trồng phụ thuộc vào khả năng đầu tư thâm canh. Thông thường đối với bưởi Diễn mật độ cây từ 500-800 cay/ha.
 
Ở những vùng đất dốc, hàng cây được bố trí theo đường đồng mức và khoảng cách giữa 2 đường đồng mức là khoảng cách giữa 2 hình chiếu của cây.
 
                3.5. Trồng và chăm sóc
 
                3.5.1. Trồng cây
 
                - Chuẩn bị hố trồng: Kích thước hố đào 60 x 60 x 60cm, ở chỗ cao cần đào hố sâu hơn và rộng hơn: 70 x 70 x 70cm. Lớp đất đào lên được trộn đều với 30kg phân chuồng hoai mục + 0,2 - 0,5kg phân lân + 0,1 - 0,2kg kali sau đó lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày.
 
                Khi trồng đào lại ở giữa hố đã lấp 1 hố nhỏ sâu và rộng hơn bầu cây 1 chút, đặt cây thẳng và lấp đất cao hơn mặt bầu 3-5cm nén đất chặt và tưới nước. Sau đó cứ 1 ngày tưới nước 1 lần sao cho đất thường xuyên có độ ẩm 70% trong 10 ngày liền. Sau đó tuỳ độ ẩm đất mà quyết định 3-5 ngày tưới 1 lần. Trong mùa khô hạn cần phủ gốc Bưởi bằng rơm rác, cỏ khô, lá xanh 1 lớp dày 5-10cm để giữ ẩm và chống không cho cỏ dại mọc. Phủ cỏ và đất cách gốc 10cm để phòng bệnh thối cổ rễ.
 
Có thể xen canh các cây nông nghiệp ngắn ngày ở giữa khoảng cách các cây trong vườn cây có múi để chống cỏ dại.
 
                3.5.2. Chăm sóc:
 
                - Tưới nước
 
                Thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ điều kiện thời tiết để chống hạn hoặc chống úng cho cây. Trước khi thu hoạch 1 tháng ngừng tưới nước.
 
                Về lượng nước tưới và số lần tưới phải dựa vào khả năng giữ nước của đất, lượng bốc hơi và lượng mưa để quyết định, phương pháp tưới có thể là tưới bề mặt hoặc tưới nhỏ giọt,... mỗi lần bón phân cần phải tưới nước để phân có thể hoà tan tạo điều kiện cho cây hấp thụ tốt hơn.
 
                Cây sau trồng, có thể sử dụng nước giải ngâm lân (thời gian ngâm từ 5-8 tuần) pha loãng để tưới gốc 3-4 tuần/lần.
 
                Sử dụng nguồn nước sạch đã được kiểm tra đánh giá trong ngưỡng cho phép sử dụng để tưới, pha phân bón, phun thuốc BVTV, rửa dụng cụ vật tư, … Nghiêm cấm sử dụng nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, nước phân chưa qua xử lý.
 
                - Cắt tỉa tạo hình
 
                + Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ chưa mang quả: Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng. Để có được dạng hình hợp lý (hình bán cầu), cần thực hiện theo các bước sau: 
 
                Tạo cành cấp 1: Khi cây con đạt chiều cao 45 - 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ để lại 3 - 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn cành khoẻ, ít cong queo, cách nhau 7 - 10 cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc xấp xỉ 450 - 600 để khung tán đều và thoáng.
 
                Tạo cành cấp 2: Khi cành cấp 1 dài 25 - 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Thông thường trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng.
 
                Tạo cành cấp 3: Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt.
 
+ Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ mang quả 
 
                Cắt tỉa sau thu hoạch: Được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1(nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày. 
 
                Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dầy, dị hình.
 
                Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.
 
                - Bón phân
 
                Bón phân cho bưởi Diễn tuỳ thuộc vào tuổi cây và sản lượng hàng năm, nền đất cụ thể. Cây từ 1- 3 năm sau khi trồng (cây chưa có quả - giai đoạn kiến thiết cơ bản). Mỗi năm bón 4 lần vào tháng 2, tháng 5 tháng 8 và tháng 11. Lượng phân bón ở mỗi lần như sau:
 
                + Đợt bón tháng 2: Bón 100% phân hữu cơ + 40% đạm + 40% kali 
 
                + Đợt bón tháng 5: 30% đạm + 30% kali
 
                + Đợt bón tháng 8: 30% đạm + 30% kali
 
                +  Đợt bón tháng 11: 100% lân + 100% vôi
 
 Lượng bón mỗi cây:
 
 
 
Năm trồng
 
Phân hữu cơ (kg)
 
Đạm urê (gam/cây)
 
Lân supe (gam)
 
Kaliclo rua (gam)
 
Vôi bột (kg)
 
Năm thứ 1
 
30
 
300
 
500
 
110
 
1
 
Năm thứ 2
 
30
 
500
 
800
 
330
 
1
 
Năm thứ 3
 
50
 
860
 
1.200
 
460
 
1
 
 
 
                Khi quả lớn cỡ quả bóng bàn có thể sử dụng thêm các loại phân có nguồn gốc từ thực vật và động vật như bột ngô, đậu tương, ốc bươu vàng, bột xương… đem ngâm chua 1-2 tháng, pha loãng tưới cho cây mỗi tuần 1 lần.
 
                Hoặc dùng các loại phân bón qua lá: kalisunphat, canxi-bo, đồng-sunphat … để kích thích lớn quả, hạn chế phát sinh tầng rời ở cuống quả, tăng độ ngọt, vỏ quả sáng bóng.
 
                - Cách bón:
 
                Bón phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng  30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Hoặc có thể đào 3 rãnh  theo hình vành khăn xung quanh tán để bón, năm sau bón tiếp phần còn lại.
 
Bón phân vô cơ: khi đất ẩm chỉ cần rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán cách xa gốc 20 - 30 cm, sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi trời khô hạn cần hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
 
                Lưu ý khi sử dụng phân bón:
 
                Phân chuồng phải được ủ hoai mục, tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi, phân chưa qua xử lý.
 
                Chỉ sử dụng các loại phân bón, chất bổ sung, kích thích có trong danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.
 
                Phải đánh giá các nguy cơ ô nhiễm về hóa học sinh học của phân bón chất bổ sung lên sản phẩm.
 
                Ghi chép thông tin và lưu hồ sơ về các loại phân bón sử dụng, số lượng, phương pháp bón, thời gian, địa chỉ và tên người cung ứng.
 
                - Một số biện pháp chăm sóc khác
 
                - Biện pháp kích thích ra hoa
 
                Khoanh vỏ: vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi lá đã thành thục, chọn những cây sinh trưởng khoẻ, lá xanh đen tiến hành khoanh vỏ. Khoanh toàn bộ số cành cấp 1. Phương pháp là dùng dao sắc khoanh bỏ hết lớp vỏ đến phần gỗ với chiều rộng vết khoanh 0,2 - 0,3 cm theo hình xoắn ốc 1,5 - 2 vòng, tuyệt đối không dùng liềm, cưa. Xử lý thuốc trừ nấm bệnh cho vết khoanh.
 
                - Biện pháp tăng khả năng đậu quả
 
                + Trước khi nở hoa: dùng các loại phân bón lá: Atonic, Mastrer - Grow, kích phát tố Thiên Nông (theo chỉ dẫn trên bao bì) phun 2 lần, lần 1 khi mới xuất hiện nụ, lần 2 cách lần 1 là 15 ngày.
 
                + Sau khi đậu quả: khi quả non có đường kính 1 - 2 cm, phun Atonic, Mastrer - Grow, kích phát tố thiên nông 2 - 3 lần với nồng độ chỉ dẫn, các lần phun cách nhau 10 - 15 ngày.
 
3.6. Thu hoạch và bảo quản
 
                Thu hoạch quả khi vỏ chín vàng đều, đảm bảo thời gian cách lý với thuốc BVTV và phân bón trước khi thu sản phẩm.
 
                 Các dụng cụ thu hái, vật liệu đóng gói cần đảm bảo vệ sinh để ngăn ngừa các nguy cơ gây hại lên sản phẩm.
 
                 Sau khi đóng gói sản phẩm phải có các thông tin để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
 
 
 
 
 
Hồng Quân
 
(Tổng hợp theo tài liệu của Trạm Khuyến nông huyện Tân Yên)