I. Giới thiệu chung về cây nhãn
1.1. Đặc điểm về giống
Nhãn có tên khoa học là Euphoria longana hay Dimocarpus longan, thuộc họ Sapindaceae. Trong 100g thịt quả chứa: 109,0 calo; 1,0g protein; 0,5g chất béo; 12,38-22,55% đường tổng số; +28,0 I.U. Vitamin A; 43,12-163,70mg Vitamin C; 196,5mg Vitamin K,... Như vậy, quả nhãn ngoài các chất khoáng thì độ đường, vitamin C và K khá cao là các chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe của con người, thích hợp với ăn tươi. Nhãn tươi và nhãn chế biến là mặt hàng giá trị có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nhãn ở miền Nam được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào, ...
1.2. Một số giống nhãn chủ yếu hiện nay:
Nhãn Miền Thiết
Nhãn Miền Thiết là giống nhãn muộn, ít có sâu bệnh, cây phát triển mạnh, quả tròn, to, cùi dày, ngọt và rất thơm, do thu hoạch vào trái vụ nên loại nhãn này rất được ưa chuộng và được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1
Do Viện Nghiên cứu Rau quả phát hiện tại xã Hàm Tử, Châu Giang, Hưng Yên và thực hiện khảo nghiệm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An từ năm 2000.
Đặc điểm: phiến lá to có màu xanh nhạt, hơi mỏng, ít bóng và phẳng; Quả to, tròn, có màu vàng sáng, vỏ dày, có nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, khối lượng quả 11,5 – 11,8g/quả; tỷ lệ cùi/quả đạt trên 70%.
Thời gian ra hoa, đậu quả: nở hoa từ 1/3 đến 5/4, thời gian thu hoạch tập trung từ 25/8-1/9, thuộc nhóm nhãn chín muộn.
Nhãn Hương Chi
Nhãn Hương Chi thường có thân thấp, tán lá rộng và đậu rất sai. Ưu điểm của giống nhãn này đó là nở hoa vào nhiều đợt, do vậy ít bị mất mùa, cho năng suất cao. Quả nhãn có hình trái tim hơi vẹo, khi chín cho cùi dày, vỏ mỏng, ngọt sắc và có màu vàng ươm khá đẹp mắt, giá trị thị trường khá cao, do đó cũng được nhiều chủ vườn chọn trồng.
Ngoài các giống nhãn trên, còn có nhiều giống nhãn nổi tiếng như nhãn đường phèn, nhãn cùi, nhãn muộn Hà Tây, nhãn tiêu, nhãn chín sớm, …mỗi loại nhãn đều mang nét đặc trưng riêng, mùi vị riêng và đều được người tiêu dùng ưa thích.
1.3. Điều kiện sinh thái
* Nhiệt độ
Nhãn thường được trồng chủ yếu trong vĩ độ từ 15-28o Bắc và Nam của xích đạo. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.
* Lượng mưa
Nhãn cần lượng mưa thích hợp hàng năm khoảng 1300-1600mm. Lúc cây ra hoa gặp thời tiết nắng ấm, tạnh ráo có lợi cho việc thụ phấn, đậu quả tốt và năng suất sẽ cao.
* Ánh sáng
Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây phát triển và thường sai trái, ánh sáng còn giúp đậu trái, vỏ bóng và vị ngọt, ngon.
* Nước
Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Ngược lại, nếu gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.
* Đất đai
Đất cát pha thịt, đất đỏ, đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho việc trồng nhãn hơn trên các loại đất khác. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.
II. Những quy định chung đối với trồng nhãn theo hướng Viet-GAP
Viet-GAP(Vietnamese Good Agricultural Practices) hay còn gọi là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam. Đó là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
2.1. Phạm vi áp dụng
Quy trình này áp dụng để sản xuất nhãn an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
2.2. Đối tượng áp dụng
Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm quả tươi an toàn, nhằm:
- Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm.
- Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất và được chứng nhận Viet-GAP.
- Đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả cho sản xuất nhãn tại địa phương.
III. Kỹ thuật trồng nhãn theo hướng Viet-GAP
3.1. Quy hoạch và thiết kế vùng trồng
* Quy hoạch
Để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm, việc lựa chọn vùng trồng là rất quan trọng. Vùng trồng có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy hiểm như: vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng, chất thải, … Vì vậy, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử, các mối nguy hại về sinh học, hóa học, vật lý, đánh giá khả năng ô nhiễm đất, nước của vùng trước khi trồng.
Tổ chức lấy mẫu đất nước theo phương pháp hiện hành, kết quả được so sánh với mức tối đa cho phép và điều kiện sản xuất an toàn.
Lập sơ đồ đối với vùng trồng/trang trại phù hợp quy hoạch trồng từng loại cây ăn quả của huyện. Vị trí phải thuận tiện giao thông, có nơi bảo quản vật tư nông nghiệp và các điều kiện hạ tầng khác.
Thực hiện ghi chép và lưu hồ sơ.
* Thiết kế
Nhãn có khả năng thích ứng rộng với nhiều loại đất: đất đồi sỏi cơm, đất phù sa, đất bãi, đất rừng mới khai phá, đất thung lũng, … thoát nước tốt, mực nước ngầm dưới 1m, kết cấu xốp để giữ mầu, và thoát nước tốt, giàu mùn. Độ dốc từ 3 – 80. pH thích hợp trong đất từ 5,5-6,5.
Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp. Đối với đất bãi bằng phẳng, đất ruộng nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu); vùng thấp phải tạo mương thoát nước, đắp ụ cao. Đất có độ dốc từ 3 - 80 phải chia lô theo đường đồng mức có thiết kế lối đi lại để tiện vận chuyển, chăm sóc.
3.2. Nhân giống và tiêu chuẩn cây giông
* Chiết cành:
Chọn cành chiết trên cây mẹ có năng suất cao, phẩm chất tốt, sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại quan trọng. Chọn cành chiết có đường kính 0.8-1.5cm, chiều dài từ 0.5-0.8m, tùy giống. Dùng dao bén khoanh vỏ cành 1 đoạn dài từ 0.5-1 cm cách ngọn cành 0.5-0.8m tùy giống, cạo sạch vỏ (có thể dùng chất kích thích ra rễ thoa phía trên vết khoanh), dùng bao nylon bó chỗ khoanh lại, khoảng 1-2 tuần thì tiến hành bó bầu. Vật liệu bó bầu có thể là rễ lục bình, bột xơ dừa. Khoảng 1,5-2 tháng sau khi bó bầu sẽ ra rễ, khi rễ thứ cấp ra đều và chuyển sang màu vàng sậm thì cắt xuống giâm đến khi cây ra được 1 đợt lộc thành thục có thể đem trồng.
* Ghép đoạn cành:
- Cành ghép là cành từ 35-40 ngày tuổi đã thành thục được lấy từ cây mẹ từ 5 năm tuổi trở lên, đã cho quả ổn định, sạch bệnh.
- Dùng dao chuyên dụng, sắc, cắt một lát vát, phẳng trên đoạn cành ghép. Chiều dài vết cắt khoảng 1,0 - 1,5 cm. Độ dài đoạn cành để ghép dài 6-7 cm, giữ nguyên đỉnh ngọn cành ghép (đối với cành ghép non 30-35 ngày tuổi)
- Dùng dao chẻ một lát thật phẳng từ đỉnh chồi tái sinh xuống dưới tạo ra mặt phẳng tương đương với mặt phẳng được tạo ra trên cành ghép.
- Chêm đoạn cành ghép vào gốc ghép, dùng dây chuyên dụng quấn chặt, trước khi xuất vườn thì tháo bỏ nilon.
* Tiêu chuẩn cây giống tốt
Thân cây thẳng, vững chắc. Chiều cao cây giống từ 80 cm trở lên (đối với cây ghép), từ 60 cm trở lên (đối với cây chiết). Đường kính cành giống từ 1,0-1,2 cm (đo cách vết ghép khoảng 2 cm về phía trên đối với cây ghép), từ 0,8 cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10 cm đối với cây chiết). Có 2 hoặc hơn 2 cành (đối với cây ghép) và chưa phân cành hoặc có hơn 2 cành (đối với cây chiết). Có 1-2 đợt lộc mới sinh ra sau ghép hoặc chiết. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.
Giống phải đảm bảo tuyệt đối sạch bệnh, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
Trong hồ sơ ghi rõ các thông tin liên qua đến người cung cấp giống, đặc điểm giống, các hóa chất sử dụng.
3.3. Thời vụ
Thời vụ trồng thích hợp đối với miền Bắc:
Vụ xuân: tháng 2-4 (dương lịch).
Vụ thu: tháng 8-9 (dương lịch).
3.4. Khoảng cách, mật độ
Khoảng cách trồng: 5m x 5m.
Mật độ: 400 cây/ ha.
Ở những vùng đất dốc, hàng cây được bố trí theo đường đồng mức và khoảng cách giữa 2 đường đồng mức là khoảng cách giữa 2 hình chiếu của cây.
3.5. Trồng và chăm sóc
3.5.1. Trồng cây
- Chuẩn bị hố trồng:
- Làm sạch cỏ dại, hố trồng được chuẩn bị trước 1 tháng, đào hố theo kích thước 70 x 70 x 70
- Bón lót với lượng phân như sau:
+ Phân chuồng hoai mục:
+ Super lân:
+ Vôi bột:
20-30 kg/hố
0,7-1 kg/hố
0,3-0,5 kg/hố
- Cách trồng: Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con, nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon rồi đặt bầu cây vào lỗ sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2-3cm, lấp đất lại vừa khuất mặt bầu, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buộc cây con vào (để tránh rễ bị lung lay dễ làm đứt rễ, cây con phát triển kém, nếu đứt nhiều rễ, cây sẽ chết) và tưới đẫm nước, phủ rơm, rạ, cỏ khô để giữ ẩm cho cây. Có thể xen canh các cây nông nghiệp ngắn ngày: lạc, các loại đậu, đỗ để tận dụng và cải tạo đất, đồng thời có thêm thu nhập.
3.5.2. Chăm sóc:
- Tưới nước
Cần cung cấp nước thường xuyên cho cây sau khi trồng, trong mùa nắng đối với vùng đất pha cát rất dễ bị thiếu nước. Cây trưởng thành chịu đựng khô hạn khá hơn nhưng phải cung cấp đủ nước vào các giai đoạn cần thiết: ra hoa, đậu quả, nuôi quả trong vụ nhãn.
Nên tưới nước cho cây từ khi bắt đầu ra hoa, quả phát triển và sau khi thu hoạch. Bắt đầu ngưng tưới ngay khi xử lý ra hoa cho cây. Đến khi cây vừa nhú hoa thì tiến hành tưới nước trở lại. Nếu trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước thì có thể tưới nhẹ cho cây.
Tuy nhãn có thể chịu đựng được ngập trong thời gian ngắn nhưng cây phát triển kém, do đó cần thoát nước kịp thời.
Thời kỳ cây con có thể sử dụng nước giải ngâm lân (thời gian ngâm từ 5-8 tuần) pha loãng để tưới gốc 3-4 tuần/lần.
Sử dụng nguồn nước sạch đã được kiểm tra đánh giá trong ngưỡng cho phép sử dụng để tưới, pha phân bón, phun thuốc BVTV, rửa dụng cụ vật tư, … Nghiêm cấm sử dụng nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, nước phân chưa qua xử lý.
- Cắt tỉa tạo hình
Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8-1 m và những cành dầy, cành vượt, cành đan chéo nhau, trên thân cây. Tuyển chọn lại 3-4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10-20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50-80 cm.
Sau khi trồng 12-18 tháng tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thẳng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc,...nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.
Sau đó vào những năm thu hoạch cần tỉa bỏ bớt nhưng cành già, dưới tán bị sâu bệnh, cành vô hiệu, để tập trung dinh dưỡng nuôi cành hữu hiệu (cho quả).
- Có thể chia 4 đợt cắt tỉa:
+ Đợt 1: Sau khi thu hoạch tiến hành cắt bỏ toàn bộ những cành trong tán, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành khô, cành tăm, cành sát mặt đất, tạo điều kiện cho cây thông thoáng để hạn chế sâu bệnh và tiêu hao dinh dưỡng.
+ Đợt 2: Khi lộc thu dài 5-7cm, tiến hành tỉa bỏ bớt lộc trên những cành quá nhiều lộc. Mỗi cành giữ lại 2-3 lộc to, khỏe để làm cành mẹ cho vụ sau.
+ Đợt 3: Khi cây ra hoa (đầu tháng 3), tỉa bỏ những chùm hoa bị bệnh. Đối với những cành cây có nhiều hoa cần tỉa bỏ những chùm hoa nhỏ (có chiều dài < 10cm) và tỉa bỏ 1-3 nhánh hoa ở các đốt phía dưới (chỗ tiếp giáp với ngọn cành mẹ) đối với những chùm hoa quá to (> 20cm) khi chùm hoa dài 15-20cm, nụ hoa chưa hé nở, đồng thời cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành khô và cành xuân quá yếu.
+ Đợt 4: Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, cắt bỏ những cành không đậu quả. Đối với những cây có nhiều quả sẽ cắt bỏ những cành có tỷ lệ đậu quả thấp (<10quả/cành) và những cành hè mọc quá dày.
- Bón phân
- Lượng bón tùy theo tuổi cây, năng suất quả/cây, loại đất mà điều chỉnh lượng phân bón. Có thể bón theo tuổi cây như sau:
Tuổi cây (năm)
Loại phân bón (kg/cây/năm)
Phân chuồng
Đạm ure
Supe lân
Kaliclorua
1- 3
30 - 50
0,2 - 0,5
1,0 - 1,5
0,2 - 0,5
4 - 6
50 - 70
0,5 - 0,8
1,5 - 1,7
0,5 - 0,7
7 - 10
50 - 70
0,8 - 1,0
1,7 - 2,0
1,0 - 1,2
Trên 10
70 - 100
1,2 - 1,5
2,0 - 3,0
1,2 - 2,0
- Thời điểm bón phân: tùy theo thời điểm sinh trưởng phát triển của cây mà chia ra các lần bón/năm như sau:
Tháng
Mục đích bón
Lượng bón cho các lần (%)
Phân hữu cơ
Đạm
Lân
Ka li
2
Thúc hoa, nuôi lộc
-
30
10 - 20
30
4 - 5
Nuôi quả, lộc
-
40
-
40
9
Thúc đẩy cành thu
100
30
80 - 90
30
* Cách bón:
+ Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30-40 cm, sâu 30-35 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ở lần bón sau khi thu hoạch quả, có thể trộn đều các loại phân vô cơ và bón kết hợp cùng với phân chuồng hoai mục.
+ Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
+ Bón phân qua lá: Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây có thể dùng hình thức bón phân qua lá. Ngoài sử dụng Urê 0,2% và Kalihydrophotphat (KH2PO4) 0,2-0,3%, có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, Zn bằng phun các dung dịch axit Boric, dung dịch Sunphat kẽm 0,1%. Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng quả non.
Lưu ý khi sử dụng phân bón:
Phân chuồng phải được ủ hoai mục, tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi, phân chưa qua xử lý. Chỉ sử dụng các loại phân bón, chất bổ sung, kích thích có trong danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam. Phải đánh giá các nguy cơ ô nhiễm về hóa học sinh học của phân bón chất bổ sung lên sản phẩm. Ghi chép thông tin và lưu hồ sơ về các loại phân bón sử dụng, số lượng, phương pháp bón, thời gian, địa chỉ và tên người cung ứng.
- Biện pháp xử lý đối với cây ra quả cách năm:
Có nhiều nguyên nhân: do chế độ dinh dưỡng, thời tiết, một số ít do đặc tính giống. Những cây này thường xuyên không ra hoa, hoặc ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, nên chặt bỏ thay bằng nhãn ghép hoặc cải tạo bằng những giống đã được chọn lọc. Đối với những cây do chế độ dinh dưỡng sẽ có hai trường hợp xảy ra hoặc thừa hoặc thiếu. Cần quan sát kỹ mức độ sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc hợp lý. Nếu cây thừa dinh dưỡng có biểu hiện cành lá quá xanh tốt, lá to xanh mềm, mỏng. Cách xử lý:
Biện pháp khoanh vỏ được sử dụng nhiều tại các vườn nhãn: Khi lá nhãn của đợt thứ 2 có màu xanh ngọn chuối (lá lụa), dùng dao khoanh vỏ vòng tròn quanh thân cành. Chỉ khoanh vỏ trên những cành chính và nên để lại 1-2 cành thở để có nhựa luyện nuôi cây. Vết khoanh rộng khoảng 1.5-2 mm (đối với cành nhỏ), 3-5 mm (đối với cành lớn), dùng dây nilon quấn chặt nhiều vòng vào chỗ đã khoanh. Từ lúc khoanh vỏ đến khi cây nhãn ra hoa khoảng 20-35 ngày (tùy vào tuổi cây), thời gian này không được tưới nước cho cây. Khi thấy chùm hoa nhãn đã nhú ra được khoảng 5 cm thì tháo bỏ dây và bắt đầu tưới nước trở lại.
Biện pháp 2: Từ tháng 10-11 dương lịch hàng năm ngắt tất cả các đầu cành khoảng 2-3 lá búp để triệt tiêu chồi dinh dưỡng gây tức nhựa, đồng thời kích thích cây ra kích tố sinh sản và nếu thời tiết thuận lợi năm sau cây ra hoa, quả tốt.
Biện pháp thứ 3: Khi quan sát thấy cây ra lộc đông vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới nhú ra 1cm tiến hành đào rãnh xung quanh gốc cây theo chiều rộng tán sâu 30-40 cm, rộng 15cm, để phơi 1 tuần không tưới nước lộc sẽ tự thui đi. Hoặc có thể sử dụng hóa chất để diệt lộc đông: đất đèn, …
+ Trường hợp thiếu dinh dưỡng: Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và lân trộn thêm tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xáo từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó bồi một lớp bùn mỏng để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng, nước tiểu đã ủ hoai mục và phân NPK khoảng 2kg/cây hoà lẫn tưới đều lên mặt bùn.
Đối với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1-3 cm.
Tăng khả năng đậu quả, hạn chế rụng quả: Dùng Progibb (GA3) liều lượng 0,1g/10 lít nước hoặc H3BO3 1,0g/10 lít nước, phun vào các thời điểm trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả. Khi quả có kích thước 0,3 - 0,5 cm phun các chế phẩm chống rụng quả non như: CRT, Thiên Nông, ...
3.6. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch quả khi quả tới độ chín, đảm bảo thời gian cách lý với thuốc BVTV và phân bón trước khi thu sản phẩm. Các dụng cụ thu hái, vật liệu đóng gói cần đảm bảo vệ sinh để ngăn ngừa các nguy cơ gây hại lên sản phẩm. Sau khi đóng gói sản phẩm phải có các thông tin để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hồng Quân
(Tổng hợp theo tài liệu của Trạm Khuyến nông huyện Tân Yên)
Tin liên quan: