Những năm gần đây biến đổi khí hậu với những biểu hiện như: Mùa đông ấm hơn, rét nàng Bân đến muộn hơn và nhiệt độ thấp hơn, bão muộn hơn, mùa hè có những đợt nắng nóng kỷ lục… so với quy luật nhiều năm đã tác động đến sự sinh trưởng của cây trồng, quy luật phát sinh gây hại của sâu và dịch bệnh.
 
 
 
Ảnh minh hoạ.
 
Một số đối tượng phát sinh với số lượng lớn rất khó kiểm soát như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, tập đoàn rầy, bệnh vàng lá lúa...
 
Để sản xuất lúa hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, nông dân cần phải có kiến thức về trồng trọt theo những nguyên tắc sau:
 
 Trồng cây khỏe:
 
Cây trồng khỏe sẽ hạn chế tối đa tác động xấu đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sự gây hại của sâu bệnh, đồng thời cho năng suất tối ưu. Vì vậy phải áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật mới năm 2004.
 
 Cấy mạ non: Mạ có từ 2- 2,5 lá; mạ gieo trên nền đất cứng hoặc mạ dầy xúc gieo từ 0,5 đến 1 lạng thóc/m2, mạ khay gieo 1 kg thóc cho 40 khay; cấy thưa,  mỗi khóm chỉ cấy 1 dảnh mạ; mật độ cấy 20 x 25 cm hoặc 25 x 25 cm. Chia thành các luống 5- 10 hàng lúa để tiện cho tưới nước, chăm sóc và phòng trừ ốc bươu vàng; rãnh giữa 2 luống thường để sâu hơn mặt luống từ 5-10 cm và rộng từ 25- 30 cm.
 
 Tưới nước và rút nước phơi ruộng xen kẽ 3- 4 lần/vụ, giữ đất luôn ẩm; làm cỏ kết hợp với xới xáo mặt ruộng để thông khí cho đất, làm sạch cỏ trong vòng 30 ngày đầu, không sử dụng thuốc trừ cỏ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo độ phì của đất hoặc phân xanh, tận dụng rơm rạ và các phụ phẩm hữu cơ sau thu hoạch.
 
 Bảo vệ các loài thiên địch:
 
 Đây là người bạn của nông dân, chúng giúp tiêu diệt các đối tượng sâu hại trên đồng ruộng một cách hiệu quả và an toàn, luôn giữ cân bằng sinh thái đồng ruộng, khống chế sâu hại ở dưới mức gây hại cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Muốn bảo vệ được thiên địch thì không được sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật một cách bừa bãi, chỉ sử dụng khi cần thiết (theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn).
 
 Thăm đồng thường xuyên:
 
 Nông dân thường xuyên thăm đồng để biết nhu cầu dinh dưỡng, nước tưới của cây lúa ở từng giai đoạn ra sao; sâu hại phát sinh... để có những biện pháp phù hợp cho thửa ruộng của mình. Mỗi nông dân là một tuyên truyền viên
 
 Những nông dân đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật cần tuyên truyền cho người xung quanh. Ngoài ra, nông dân chưa áp dụng kỹ thuật  thành thục thì có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những người có kinh nghiệm. Từ đó sẽ nâng cao trình độ thâm canh lúa, góp phần sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
 
 Đỗ Thị Luyến (Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật)