1. Nguồn gốc:
 
      - Giống lúa BC15 là giống lúa thuần do tác giả Đặng Tiểu Bình- Trung tâm KN- KN Thái Bình chọn tạo, được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình mua bản quyền và chọn lọc.
 
      2. Đặc điểm chủ yếu:
 
      - Thời gian sinh trưởng:
 
          + Vụ xuân: 135 - 140 ngày,
 
          + Vụ mùa: 110 - 115 ngày.
 
      - Là giống lúa cứng cây, đẻ nhánh khoẻ, lá to trung bình. Chống đổ, chịu rét khá, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, khả năng thích ứng rộng. Hạt gạo trong, cơm dẻo đậm đà, năng suất trung bình đạt 60 - 65 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 70 - 75 tạ/ha.
 
      * Lưu ý: Giống lúa BC15 là giống có khả năng nhiễm bệnh đạo ôn khá cao, vì vậy nên thường xuyên kiểm tra, thăm đồng phát hiện bệnh kịp thời để có những biện pháp phòng trừ có hiệu quả.
 
      3. Chân đất: Vàn thấp, vàn, vàn cao.
 
      4. Phương pháp ngâm ủ:
 
      a. Xử lý hạt giống:
 
      - Dùng Carba 50EC hoặc Benlat hoặc Validacin xử lý hạt giống theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao thuốc.
 
      - Nếu không có thuốc xử lý có thể sử dụng nước vôi trong 2 - 3%.
 
      * Cách làm như sau:
 
      - Lấy 0,2 - 0,3 kg vôi cục hoặc 0,3 - 0,5kg vôi tôi (vôi tôi không quá 30 ngày) hòa trong 10 lít nước sạch, lọc lấy 6 - 7 lít nước vôi trong để ngâm 6 - 7 kg thóc giống trong 10 – 12 giờ. Vớt thóc ra đãi sạch nước vôi.
 
      b. Ngâm ủ:
 
      - Đối với giống chuyển vụ (giống mới thu hoạch): Ngâm ủ theo đúng hướng dẫn phá ngủ để trong bao thóc giống.
 
      - Đối với giống không chuyển vụ (không có hướng dẫn để trong bao thóc giống) thì ngâm ủ như sau: Ngâm thóc trong nước lã sạch 48 giờ ở vụ Xuân, 36 giờ ở vụ mùa (tính cả thời gian ngâm xử lý thuốc hoặc nước vôi). Trong thời gian ngâm cứ 6- 8 giờ phải đãi và thay nước một lần, sao cho hạt thóc không có mùi chua. Khi hạt thóc đã hút no nước, đãi thật sạch, để ráo nước rồi đem ủ.
 
      - Ủ thóc đã ngâm trong bao vải hoặc rá, thúng. Vụ xuân ủ ấm ngay từ ban đầu (khi thóc chưa nứt nanh) ở nhiệt độ 35 - 40oC, vụ mùa để ở nơi thoáng mát, không đọng nước. Trong quá trình ủ phải kiểm tra, nếu hạt thóc khô phải tưới thêm nước. Khi thóc đã nứt nanh phải nhanh chóng đảo nhẹ, rải mỏng, hạ nhiệt độ chỉ còn khoảng 25oC.
 
      - Khi hạt thóc ra mộng và rễ đều, mộng mập, khô ráo đem gieo.
 
      * Lưu ý: Dùng chậu, thùng để ngâm thóc không được dùng bao xác rắn, bao linon để ngâm ủ.
 
      5. Kỹ thuật canh tác:
 
      a. Làm đất:
 
      - Đất cần phải cày sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước. Ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt cày đảo ải. Làm ải có tác dụng cho đất thoáng, tiêu diệt được một số loại dịch hại trong đất. Nếu phơi ải gặp mưa lớn không có khả năng phơi lại thì phải giữ nước, chuyển sang làm dầm.
 
      - Cày sâu, bừa kỹ cho đất nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng thuận lợi cho khi cấy đồng đều và điều tiết nước.
 
      - Cày sâu tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, tăng nguồn dự trữ dinh dưỡng, có lợi cho các hoạt động của vi sinh vật vùng rễ phân giải các chất hữu cơ khó phân huỷ, tăng cường dinh dưỡng.
 
      - Trước khi cấy phải sạch gốc rạ, cỏ dại, đất cấy mạ sân càng phải được làm kỹ hơn, mặt ruộng phẳng hơn và để mức nước nông để cấy xong phát triển thuận lợi.
 
      b. Thời vụ gieo cấy:
 
      - Vụ xuân gieo 15/1 - 5/2, cấy  khi mạ đạt 3,3 lá (mạ nền), 4,5 - 5 lá (mạ ngạnh trê).
 
      - Vụ mùa gieo từ 20/6 - 30/6, cấy khi mạ được 15 - 18 ngày (mạ ngạnh trê), 8 - 10 ngày (mạ nền).
 
      - Áp dụng kỹ thuật gieo mạ dầy, xúc, mạ gieo trên nền đất cứng.
 
      c. Mật độ, số dảnh: 35 - 40 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/ khóm. Cấy nông (bùn ngập 1 - 2cm gốc mạ).
 
      d. Phân bón:
 
      - Lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ: Tuỳ theo từng loại đất mà lượng phân bón sao cho phù hợp. Đối với loại đất trung bình bón 300 - 400kg phân chuồng, 8 - 9 kg đạm Urê, 15 - 20 kg lân Supe, 5 - 6 kg Kali. Vụ mùa giảm 10% đạm, tăng thêm 1- 2 kg Kali/sào so với vụ xuân. (Nếu dùng các loại phân bón khác cũng phải tương ứng với tỷ lệ đạm, lân, Kali như trên).
 
      - Cách bón: Bón lót sâu toàn bộ phân chuồng, lân và 50% lượng đạm. Bón thúc khi lúa bén rễ, hồi xanh 50% số đạm còn lại + 50% lượng phân Kali. (Lưu ý: Vụ xuân khi thời tiết ấm mới bón đạm). Khi lúa đứng cái bón hết lượng Kali còn lại. Tuyệt đối không được bón phân đạm lai nhai.
 
      e. Tưới nước:
 
      - Tuỳ từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa mà điều tiết nước sao cho hợp lý.
 
      - Cần giữ đủ nước sau khi cấy ở mực nước 1- 2cm, cần tránh rét lúc mới cấy về vụ xuân, tránh nắng nóng về vụ mùa. Biện pháp rút nước ở thời điểm đẻ nhánh có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm nước. Bên cạnh việc tạo cho oxy tiếp xúc trực tiếp với đất, làm giảm độ chua, giảm chất độc trong đất, tăng cường sự chuyển hóa các chất từ khó tiêu thành dễ tiêu; đồng thời giúp bộ rễ phát triển khỏe, tăng khả năng lấy dinh dưỡng. Rút cạn nước ở giai đoạn này tạo cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, kích thích và thúc đẩy khả năng đẻ nhánh tối đa. Do đó, sau khi bón phân thúc đẻ khoảng 5 ngày tiến hành tháo cạn nước, giữ cho ruộng đủ ẩm và chỉ tưới nước khi mặt ruộng khô nẻ, theo phương pháp tưới tràn. Khi bắt đầu phân hoá đòng đến khi chín sáp nên giữ mực nước trên ruộng khoảng 3 - 4cm. Trước khi thu hoạch 15 ngày lại tháo cạn nước để tiện cho việc thu hoạch.
 
      f. Phòng trừ sâu bệnh
 
- Thăm đồng thường xuyên để phát hiện, theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả cao.
 
- Phòng trừ theo sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, theo nguyên tắc 4 đúng bằng các loại thuốc đặc hiệu.
 
- Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế sau bệnh.
 
- Một số đối tượng cần quan tâm: Sâu đục thân, cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy, bệnh đạo ôn, khô vằn.
 
* Trong điều kiện thời tiết ở vụ xuân thường có thời tiết lạnh, nhiều sương mù, trời âm u ít nắng… đây là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh và phát triển vì vậy cần lưu ý như sau:
 
+ Triệu trứng gây hại:
 
- Bệnh có thể xuất hiện trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa: từ thời kỳ mạ cho đến trổ chín. Bệnh có thể gây hại ở bẹ lá, phiến lá (cháy lá), cổ bông (gãy cổ bông, khô cổ bông, thối cổ bông), lóng thân, gié (khô cổ gié) và trên hạt.
 
+ Biện pháp phòng trừ:
 
- Để hạn chế tác hại của bệnh đạo ôn, bà con nông dân cần thiết phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ đầu vụ.
 
- Không bón quá nhiều phân đạm, tuyệt đối không bón đạm tập trung vào trước thời kỳ cuối đẻ nhánh, làm đòng, trước và sau trổ, vì đây là những thời kỳ cây lúa dễ bị nhiễm bệnh nhất. Cần bón cân đối giữa đạm, lân, kali. Khi bệnh xuất hiện thì ngưng ngay bón đạm, nếu không sẽ làm cho bệnh trở nên nặng.
 
- Dọn sạch tàn dư như rơm rạ, cỏ dại trên đồng ruộng.
 
- Thường xuyên thăm ruộng, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện bệnh kịp thời và áp dụng các biện pháp phòng trừ đúng lúc, đặc biệt chú ý giai đoạn lúa từ cuối đẻ nhánh – sau trổ. Khi thấy trời âm u, ít nắng, có sương mù, nhiệt độ mát mẻ thì cần phun thuốc phòng bệnh cho lúa bằng các loại thuốc như: Nativo 750 WG + Antracol 70WP (giai đoạn lúa làm đòng phun hỗn hợp này một lần, đến giai đoạn trước trổ khoảng 7 ngày phun hỗn hợp này thêm lần nữa, giai đoạn sau trổ thì bà con chỉ cần phun một mình Nativo thêm một lần nữa). Khi thấy bệnh vừa mới chớm xuất hiện thì bà con cần phải phun ngay bằng các loại thuốc đặc trị như: Filiar, Beam… Đặc biệt, loại thuốc hiệu quả nhất hiện nay trên thị trường là Nativo 750WG (sản phẩm của công ty BAYERVIỆT NAM ).
 
6. Thu hoạch:
 
- Khi ruộng lúa chín 80 - 85% thì tiến hành thu hoạch.
 
Hồng Quân
 
(Tổng hợp theo tài liệu của phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Yên Dũng)