Cây ba kích thuộc họ cà phê (Rubiaceae), bộ Long đởm (Gentianales), ngoài ra còn có tên khác là ba kích thiên, chẩu phóng xì (Tày), chày kiềng đòi (Dao), dây ruột gà, thau tày cáy (Tày), chồi hoàng kim, sáy cày (Thái), liên châu Ba kích... Trong dân gian còn gọi là cây ruột gà. Là loại cây thân thảo, sống lâu năm, dạng dây leo.. Có tác dụng tăng lực, chống viêm, hạ đường huyết và giảm stress...
Vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phân bố tự nhiên của cây ba kích, ba kích là cây bản địa của Bắc Giang nên ba kích sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ba kích là loài cây ưa bóng, mọc hoang ở vùng rừng thứ sinh. Đất trồng nên chọn ở những nơi còn nhiều tính chất đất rừng, độ cao dưới 600m, tầng đất dày trên 40cm, thường xuyên ẩm, độ dốc dưới 200, không nên chọn những nơi đất pha cát, đất thoát nước.
 
 

 
                   Cây ba kích trồng từ hạt                                                               
 
1. Chọn vùng trồng
 
Vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phân bố tự nhiên của cây ba kích, ba kích là cây bản địa của Bắc Giang nên ba kích sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đất trồng ba kích nên chọn ở những nơi còn nhiều tính chất đất rừng, dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt với độ tàn che khoảng 0,3 ÷ 0,4 là tốt nhất, độ cao dưới 600 m, tầng đất dày trên 40cm, thường xuyên ẩm, độ dốc dưới 200. Không nên chọn những nới đất pha cát, đất thoát nước.
 
2. Thời vụ trồng 
 
Giống như những cây trồng khác ba kích trồng tốt nhất vào đầu xuân khi mùa mưa bắt đầu, thời tiết ấm áp, một năm có thể trồng thành 2 đợt (mùa xuân tháng 2 ÷ 3 và cuối hè tháng 8 ÷ 9), tốt nhất là khi trồng xong vẫn còn vài đợt mưa mùa thì cây ổn định và sinh trưởng tốt. Trồng vào mùa xuân thì cây sinh trưởng phát triển tốt hơn vào mùa hè.
 
3. Xử lý thực bì
 
Sau khi chọn được khu vực trồng trọt phù hợp (dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt, tầng đất dầy, độ dốc dưới 200, thường xuyên ẩm...), nên phát dọn thực bì trước khi trồng, phát sạch thực bì, dây leo, bụi dậm, chặt bỏ nhưng cây không có mục đích, cong keo sâu bệnh, giữ lại những cây có mục đích, có giá trị kinh tế, có khả năng phát triển thành cây gỗ... với mục tiêu tạo tầng tán che bóng phù hợp với cây ba kích.
 
Phát sát gốc chiều cao gốc không quá 10cm và băm dập thành những đoạn ngắn. Phát theo băng, theo đám, hoặc cục bộ tùy theo từng lô rừng cụ thể. Tốt nhất là nên lúc bắt đầu mùa mưa, mưa bé với mục đích đảm bảo không bị cháy rừng, tạo điều kiện những phần băm nhỏ dễ phân hủy thành phân làm tăng hàm lượng mùn cho đất.
 
Lưu ý: Không được đốt thực bì vì khi đốt thực bì sẽ làm mất tính chất đất rừng, đất bị chai ảnh hưởng lớn đến năng suất củ sau này.
 
4. Làm đất
 
Sau khi phát dọn thực bì khoảng 1 tuần bắt đầu tiến hành cuốc hố, trước khi cuốc hố nên dọn thực bì sạch xung quanh hố với đường kích khoảng 70cm, khi cuốc hố để riêng phần đất tốt, đất tơi xốp (đất mặt) ra một bên, đất xấu nhiều sỏi đá (đất phía dưới) ra một bên, khoảng cách giữa các hố 1m, hàng cách hàng 1,5m là phù hợp, mật độ trồng khoảng 5.000 cây/ha dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt là phù hợp. hố có kích thước tối thiểu là 50 x 50 x 40cm, ngoài ra cuốc càng rộng, càng sâu thì càng tốt vì ba kích là cây lấy củ.
 
Sau khi cuốc 1 tuần, có mưa 1,2 đợt, kiểm tra dưới đáy hố đủ ẩm thì tiến hành lấp hố kết hợp với bón lót phân chuồng hoai, phân vi sinh. Khi lấp hố đất được đập nhỏ nhặt hết rễ cây, rác... phần lớp đất mặt tơi xốp lấp trước, phần sấu lấp sau. Lấy thêm phần lớp đất tơi xốp bên cạnh lấp thêm để phần mặt hố có hình mu rùa.
 
Lưu ý: Nếu vị trí cuốc ảnh hưởng đến cây tái sinh mục đích thì phải chuyển sang vị trí khác, để cây tái sinh phát triển bình thường.
 
5. Bón phân
 
- Phân bón lót: Phân bón lót được tiến hành đồng thời với lúc lấp hố, phân bón tốt nhất là phân chuồng hoai với định lượng: 01kg phân chuồng hoai với 0,2kg phân vi sinh/hố. Phân bón đến đâu lấp hố đến đó.
 
- Phân bón chăm sóc: Năm đầu tiên sau khi trồng 6 tháng tiến hành chăm sóc kết hợp với bón phân, bón bằng phân chuồng hoai 01kg/hố/lần, một năm bón phân chăm sóc 2 lần.
 
6. Vận chuyển cây và trồng
 
Cây giống đem trồng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đó được quy định theo tiêu chuẩn. Hố trồng phải đảm bảo đủ độ ẩm. Cây đem đi trồng phải sinh trưởng tốt, không cụt ngọn, cong queo sâu bệnh.
 
Chọn ngày dâm mát hoặc có mưa, đất nơi trồng cây phải đủ ẩm, mới mang cây đi trồng, nên trồng tập trung gọn theo từng lô.
 
Cây con trước khi xuất trồng cần tưới nước đủ ẩm. Khi bốc xếp vận chuyển phải nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu, gãy ngọn làm tổn thương đến cây con, cần loại bỏ những cây không đạt tiêu chuẩn ngay tại vườn (ốm yếu, kém phẩm chất, cây sâu bệnh). Khi trồng, nếu không trồng hết trong ngày phải đưa xuống đất, xếp thành hàng theo luống ngay ngắn mỗi luống 3 hàng, tưới nước và chăm sóc cây kịp thời.
 
Khi trồng phải rạch bỏ vỏ bầu, đặt cây vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng, dùng tay vun lớp đất mịn ở xung quanh vào gốc cây. Vừa vun, vừa nén chặt gốc (nén đất chặt vừa phải), lấp đất qua cổ rễ 2 - 3cm. Không trồng nông quá hoặc sâu quá.
 
Trồng dặm: Sau khi trồng từ 10 - 15 ngày, kiểm tra toàn bộ diện tích đã trồng, trồng dặm cây chết, cây kém cho đủ mật độ. Thời gian chậm nhất không quá 1 tháng sau khi trồng.
 
7. Chăm sóc sau khi trồng
 
Ba kích trồng đến năm thứ 5 thì có thể thu hoạch, tùy theo từng điều kiện kinh tế của từng gia đình quyết định đến việc thu hoạch, vì càng để lâu càng có giá không như những loài cây khác. Thường sau khi trồng chỉ cần chăm sóc đến năm thứ 3, năm thứ 4 chỉ bảo vệ phòng chống sâu bệnh hại mất mát là được
 
Chăm sóc năm thứ nhất
 
Nếu trồng vào vụ xuân thì sau 6 tháng tiến hành chăm sóc năm 1, nếu trồng vào vụ hè thu thì chăm sóc lần 1 đồng thời là chăm sóc lần 1 của năm thứ 2.
 
- Phát chăm sóc: Phát hết thực bì, cây bụi, dây leo quấn vào thân cây, phát sát đất, gỡ bỏ dây leo dây quấn vào thân cây (nếu có)
 
- Cuốc lật đất: Rẫy cỏ, đánh gốc cây, cuốc lật đất, cuốc cục bộ theo từng khóm cây đường kính 0,8-1,0m sâu 10 - 15cm.
 
- Bón phân dải đều quanh gốc, dải phân lền phần đánh rãnh sâu 10 - 15cm sau đó tiến hành lấp đất. Mỗi hố bón 1kg phân chuồng hoai + 0,2kg phân vi sinh
 
Chăm sóc năm thứ hai, thứ ba
 
- Phát chăm sóc lần 1: Phát hết thực bì, cây bụi, dây leo quấn vào thân cây, cây phi mục đích. Đối cây tái sinh mục đích có giá trị kinh tế phẩm chất tốt thì để lại nuôi dưỡng. Thông thường phát chăm sóc vào tháng 3.
 
- Kỹ thuật cuốc và bón phân như trên
 
- Sau khi phát chăm sóc lần 1 tiến hành làm dàn cho cây ba kích leo.
 
- Phát chăm sóc lần 2 vào khoảng tháng 9 . Phát hết thực bì, cây bụi, cây phi mục đích, gỡ bỏ dây leo dây quấn vào thân cây.
 
- Kỹ thuật cuốc và bón phân như trên.
 
8. Phòng trừ sâu bệnh hại
 
Ba kích ít thấy sâu bệnh, thường thấy có sâu xanh ăn lá. Cách phòng trừ: Phun thuốc trừ sâu sinh học NPV. Ngoài ra, Ba kích còn bị rệp làm cho thui ngọn và lá non, phòng trừ bằng cách rắc tro bếp vào buổi chiều.
 
Bệnh thường thấy xuất hiện trên cây ba kích là bệnh đốm màu rỉ sắt sau lan rộng làm thủng lá. Thuốc trừ bệnh dùng Dithan-80WP./.
 
ĐT
 
(Kỹ thuật trồng ba kích từ hạt là kết quả của Đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu trên địa bàn huyện Lục Nam và huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang” của Công ty cổ phần lâm Y Dược
Bắc Sơn).