QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG NẤM CHÂN DÀI
 
1. Thời vụ nuôi trồng nấm Chân dài
 
Thời gian bắt đầu cấy giống từ ngày 15/3 đến 15/8 đến 15/9 đối với các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam có thể trồng quanh năm.
 
2. Chọn nguyên liệu
 
Chọn mùn cưa cao su và bồ đề, tạp, mùn không mốc, không dính dầu máy và hóa chất.
 
Bông phế liệu: Nguồn bông phế liệu mua từ các nhà máy dệt, chọn bông không bị mốc, không bị xử lý bằng hoá chất tẩy trắng.
 
Bột ngô, cám gạo: còn nguyên mùi thơm của cám, không mốc, không lẫn hạt tấm to.
 
Bột nhẹ: CaCO3 có độ tinh khiết cao, có pH<9.
 
Nước vôi trong: pH = 12 - 13 (3,5 - 4 kg vôi tôi cho 1000 lít nước). Chú ý: phải sử dụng nguồn nước sạch.
 
3. Xử lý nguyên liệu
 
* Đối với mùn cưa:
 
Đổ mùn cưa ra nền sạch, sau đó dùng bình ô doa tưới đều nước vôi trong lên mùn cưa, vừa tưới, vừa đảo (với tỷ lệ 1 kg mùn cưa khô trộn với 1,2 - 1,4 lít nước).
 
Sau khi tưới đủ nước, dùng xẻng đảo đều từ 3 - 4 lần rồi ủ thành đống, che đậy bằng nilon để mùn cưa ngấm đủ nước và trương nở tế bào gỗ.
 
Thời gian ủ khoảng từ 2 - 4 ngày.
 
Đối với bông hạt:
 
Ngâm bông nhanh trong dung dịch nước vôi trong, vắt nhẹ, ủ lại thành đống (chú ý đống ủ phải để trên kệ, kệ có khe hở để nước không bị đọng ở đáy đống ủ), che phủ kín đống ủ bằng nilon hoặc bao tải dứa.
 
Thời gian ủ từ 24 - 36 giờ.
 
4. Phối trộn nguyên liệu
 
Kiểm tra lại độ ẩm của hai đống ủ bông và mùn cưa, yêu cầu đạt khoảng 62 - 65%. Kiểm tra độ ẩm mùn cưa bằng cách dùng tay nắm nguyên liệu lại, thấy không bị vỡ ra, đối với bông dùng tay nắm chặt không có nước rỉ ở kẽ tay là được. Trường hợp đống ủ khô quá, thì phải bổ sung nước, ủ lại 1 ngày. Đống ủ ướt quá thì phải trải rộng ra để bay bớt hơi nước.
 
Công thức phối trộn: (Bông ủ 40% + Mùn cưa ủ 47% + Bột ngô 7% + cám gạo 5% + CaCO3 1%)
 
5. Đóng túi
 
Nguyên liệu đã phối trộn được đảo thật đều và đóng vào túi nilon chịu nhiệt có kích thước 25 x 35 cm. Túi được đóng với độ cao khoảng 14cm, nén chặt, tròn, phẳng  sau đó làm cổ nhựa, chun cao su, nút bông, đậy nắp.
 
Túi nguyên liệu có khối lượng khoảng từ 1,2 - 1,3 kg /túi.
 
6. Khử trùng
 
Khử trùng bằng thiết bị công nghiệp, áp lực 1,3 - 1,5atmotphe, thời gian hấp 2,5 - 3 giờ.
 
Khử trùng bằng nhiệt của hơi nước bão hòa ở 100oC thời gian 10 - 12 giờ
 
Bịch nguyên liệu sau khi thanh trùng còn nóng nhiệt độ >70oC được ra lò và chuyển ngay vào phòng chờ cấy.
 
7. Cấy giống
 
 Phòng cấy được thanh trùng bằng cách phun foocmol nồng độ 0,5% xung quanh phòng hoặc đốt lưu huỳnh với lượng 100g/40m3 phòng đóng kín cửa từ 12 - 24 giờ.
 
Mở cửa để hết mùi mới được vào cấy.
 
Dụng cụ cấy, box cấy được thanh trùng bằng tia UV và cồn 70 độ.
 
Một chai giống cấp II: 0,35kg cấy 30 - 35 bịch nguyên liệu.
 
Tiêu chuẩn giống: Giống nấm Chân dài có ký hiệu là Bi, màu trắng đục đồng nhất, sợi mượt, không bị mốc, không bị chua, có mùi đặc trưng của giống, giống đúng độ tuổi.
 
8. Nuôi sợi
 
Sau khi cấy giống xong, chuyển bịch vào phòng nuôi để ươm sợi.
 
Điều kiện phòng nuôi: phòng sạch sẽ, thoáng mát, có cửa ra vào và lối đi giữa các giàn rộng để tiện vận chuyển; giàn giá nên có nhiều tầng để tăng diện tích, mỗi giàn nên có 5 - 7 tầng, mỗi tầng cách nhau 50 - 60cm. Diện tích phòng phụ thuộc vào diện tích đất sử dụng.
 
Nhiệt độ phòng nuôi, độ ẩm không khí, ánh sáng.... điều chỉnh theo đặc điểm sinh thái.
 
Trong thời gian nuôi sợi tuyệt đối không tưới nước, hạn chế vận chuyển bịch nhiều lần (nếu vận chuyển nhiều sợi nấm dễ bị tổn thương).
 
Trong thời gian này cần phải kiểm tra loại bỏ bịch nhiễm, nếu phát hiện thấy nhiễm cần loại bỏ ngay ra khỏi khu vực nuôi để tránh lây lan sang bịch khác.
 
Thời gian nuôi sợi kéo dài khoảng 30 - 35 ngày.
 
9. Chăm sóc lúc ra quả thể, thu hái
 
Sau khi kết thúc giai đoạn nuôi sợi, tháo bỏ cổ nút và nút bông, dùng thìa nhỏ bằng gỗ hoặc inox cào đi lớp giống mỏng ở trên bề mặt cơ chất trong bịch nấm để kích thích sự hình thành quả thể nấm đồng đều và hạn chế hạt thóc giống gây nhiễm bề mặt bịch.
 
Cào xong buộc miệng bịch (như hình chiếc nơm).
 
Để các bịch nấm đã xử lý xong lên giàn ngay tại phòng nuôi sợi khoảng 4 - 5 ngày, khi sợi nấm phục hồi lại thì mở miệng bịch, phủ đất hoặc bã phủ nấm mỡ đã qua xử lý hoặc rễ bèo khô, phủ dày khoảng 3 - 4 cm, chuyển sang phòng chăm sóc cho ra quả thể.
 
Phòng ra quả thể có các điều kiện như sau:
 
+ Nhiệt độ thường trong mùa hè (22 - 30oC); 
 
+ Độ ẩm không khí: 85 - 95%.
 
+ Ánh sáng khuyếch tán từ 100 - 200lux.    
 
+ Thông thoáng tốt (nồng độ CO2<0,6%)
 
+ Nhà chăm sóc nên để nhiều tầng giàn để tăng diện tích sử dụng, có lối đi vận chuyển dễ dàng.
 
Sau 10 - 15 ngày sẽ xuất hiện mầm quả thể.
 
Thời gian này tưới phun sương đều đặn (1 - 3 lần/ngày và chỉ tưới đủ ẩm đất phủ), độ ẩm không khí trong phòng phải đảm bảo 85 - 90%.
 
Khi mũ quả thể có dạng phễu lõm và có màu nâu sáng hơn, lúc này nấm có vị ngon nhất. Đây là thời điểm thu hái nấm thích hợp nhất.
 
Chú ý thu hoạch cần đúng tuổi thì mới đảm bảo về năng suất và chất lượng của sản phẩm. Nếu thu hoạch sớm quá sẽ làm giảm năng suất nấm còn thu muộn quá sẽ làm giảm chất lượng của sản phẩm.
 
Chăm sóc đợt sau:
 
Sau khi thu hái xong mỗi đợt, cần loại bỏ gốc, rễ nấm trên bề mặt đất phủ, loại bỏ những bịch hỏng, 3 - 4 ngày đầu sau khi hái nấm không nên tưới trực tiếp vào bề mặt đất phủ nhưng vẫn phải giữ độ ẩm không khí trong phòng từ 85 - 90% bằng cách phun vào nền hoặc trần, đến ngày thứ 5 lại tiếp tục tưới phun sương trực tiếp vào đất phủ 1 - 3 lần/ngày.
 
Thông thường giữa 2 đợt ra nấm cách nhau 10 - 15 ngày.
 
Mỗi túi nấm thu hái 2 đến 3 lần.
 
Tổng năng suất các đợt đạt 300 - 350 kg nấm tươi/1.000 kg nguyên liệu khô.
 
Hoàng Thoa
 
Theo dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến một số giống nấm mới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang“ do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thực hiện