Theo báo cáo của UBND huyện Tân Yên, trên địa bàn huyệnhiện đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện.

Vùng rau quả chế biến trên địa bàn huyện có diện tích 631 ha 

Cụ thể,vùng trồng lạc giống khoảng 2.700 ha/năm, trồng tập trung trên 5 cánh đồng mẫu và 18 vùng có diện tích từ 5ha/vùng trở lên. Vùng lúa chất lượng tập trung duy trì khoảng 1.600 ha, sản xuất tập trung tại 23 cánh đồng mẫu, 27 vùng tập trung với quy mô từ 5 ha trở lên tại 15 xã. Vùng rau quả thực phẩm có diện tích là gần 2.700 ha, sản xuất tập trung tại 45 vùng với quy mô từ 5-7ha;xây dựng, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với 1.200 ha có giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 23% so với sản xuất đại trà.Vùng rau quả chế biến có diện tích 631 ha, sản xuất tập trung tại 33 vùng với quy mô từ 2 ha trở lên đối với một số cây phục vụ chế biến như ớt xuất khẩu, dưa bao tử, cà chua bi, dưa nhật, khoai tây chế biến..., sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Vùng sản xuất cây ăn quả tập trung hình thành với tổng diện tích gần 1.400 ha, gồm các cây chủ lực như vải sớm, nhãn muộn 95 ha, bưởi 175 ha, ổi 140 ha, vú sữa 7 ha; duy trì và mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 1.500 ha; vùng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 383 ha.

Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phúc Sơn, sản xuất rau, dưa trong nhà màng; sản phẩm được doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ, giá bán cao, ổn định, doanh thu đạt 800 triệu đồng/mô hình/năm. Toàn huyện hiện có 63 trang trại chăn nuôi gà áp dụng công nghệ cao nuôi chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, đệm lót sinh học quy mô từ 1.000 con/lứa; trên 70% đàn lợn được chăn nuôi tập trung tại 381 trang trại, 57 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất thủy sản có 6 vùng nuôi tập trung với quy mô 75 ha đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn thiện các vùng sản xuất nông nghiệp của huyện, xác định rõ vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn mới ở các địa phương. Thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 

Theo snnptnt.bacgiang.gov.vn