Vải thiều hoa ra rộ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên, để có vụ vải thiều đạt năng suất cao, người làm vườn cần chú ý một kỹ thuật sau:

 

1. Chăm sóc:

Ngay sau khi thu hoạch quả, người trồng vải thiều đã chăm sóc chuẩn bị cho mùa tới: Tỉa cành, tạo hình cho cây bằng cách dùng kéo chuyên dùng cắt bỏ hết các cành nhỏ, cành tăm, cành bị sâu bệnh, các cành mọc chen trong tán; đặc biệt là các chồi vượt vừa mọc ra trong mùa đông vừa qua (còn gọi là lộc đông) nhằm làm cho tán cây thông thoáng hạn chế sâu bệnh phát sinh, phát triển; giúp cây phân hóa mầm hoa tốt; tăng cường dinh dưỡng cho cây khỏe hơn sẽ hạn chế được tình trạng rụng hoa, rụng quả non sau này.

Ngừng hẳn tưới nước, giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10-15 ngày mới tưới đẫm nước liên tục 2-3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung. Dùng rơm rạ, cỏ khô ủ gốc giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây trong thời gian cây ra hoa và đậu quả. Nếu để vườn khô, cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều. Ngược lại tưới quá nhiều, độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ cao làm cho các mô non ở cuống và hoa trương lên đột ngột cũng làm hoa rụng nhiều.

Pha 10ml HPC-B97 cho bình 8-10 lít phun đều lên tán, chùm nụ trước khi hoa nở và phun lại lần 2 sau khi hoa nở hết, quả đã đậu ổn định bằng hạt đỗ xanh. Trong trường hợp cây vải đã nở hoa được khoảng 2/3, nếu thấy tỷ lệ đậu quả kém, có thể pha 1 gam A-xít Boric vào 10 lít nước sạch rồi phun nhẹ lên các chùm hoa nhằm giúp các túi phấn hoa đực thêm sức sống, dễ thụ phấn, đậu quả. Trong thời gian cây đang nở hoa, không được phun các loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc kích thích sinh trưởng khác.

Chú ý phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là nhện lông nhung gây hại khi cây ra lộc non. Thu gom những lá bị nhện đem đốt để tránh lây lan. Dùng các loại thuốc trừ nhện như Pegasus 500ND, Ortus 5SC phun ngay sau khi lộc non mới nhú; sử dụng các loại thuốc trừ sâu như Selecron 500 ND, Regent 800WG, Fastac 5 EC… để phun trừ bọ xít xanh, bọ xít vai nhọn, rệp hại hoa, sâu đục cuống quả… Với sâu đục quả, thường xuyên kiểm tra các lứa sâu để phun làm 3 đợt chính: cuối tháng 4, cuối tháng 5 và giữa tháng 6; sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Boóc-đô 1%, Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%, Score 0,1% hoặc Aliette 80 WP 0,15%.

2. Phòng trừ sâu bệnh

* Nhện lông nhung hại vải:

- Đặc điểm gây hại: Nhện lông nhung phát sinh quanh năm, gây hại chủ yếu trên các đợt lộc, nặng nhất vào vụ Xuân. Sâu non nở ra chích hút biểu bì mô mặt dưới lá hút nhựa, kích thích mô lá làm cho lá dị dạng có mầu nâu đỏ như nhung, mặt trên lá xoăn, phồng rộp phát triển không bình thường, làm cho lá quang hợp kém, dễ rụng.

- Phòng trừ:

+ Thu gom các lá rụng đem đốt, cắt bỏ các cành bị hại nặng đem đốt. Sau thu quả và vụ Đông cắt tỉa cho cây thông thoáng, làm vệ sinh vườn để giảm bớt điều kiện hoạt động của nhện.

+ Sử dụng thuốc: Regent 0,1%; Pegasus 0,1%; Ortus 0,1% có tác dụng diệt nhện trưởng thành tốt. Phun cho mỗi đợt lộc 2 lần: lần 1 nhú lộc, lần 2 lộc ra rộ.

* Bệnh hại vải:

* Bệnh giả sương mai (nông dân gọi là bệnh sương mai). Bệnh gây hại trên lá, chùm hoa và quả. Trên cành và cuống hoa, mô bệnh có màu nâu thâm đen và phát triển lan rộng ra xung quanh, làm cho cành và cuống hoa tóp lại, khô dần và gẫy. Trên quả mô bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục, sau lan dần trên mặt vỏ quả gây héo khô và chuyển màu thâm hoặc đen sẫm, trên mô bệnh được bao phủ 1 lớp nấm trắng dầy, mịn.

Bệnh thường phát sinh và gây hại nặng vào mùa xuân khi thời tiết ấm, có mưa phùn ẩm ướt, trùng lúc cây đang ra hoa, hình thành quả và kéo dài cho tới khi thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ bệnh giả sương mai:

- Cắt bỏ các cành chồi hoa cũ không có quả do bị bệnh nặng và tiến hành vệ sinh vườn sau khi thu hoạch.

- Phun trừ nguồn bệnh lưu tồn trên mặt đất bằng dung dịch Sunphat đồng 0,2-0,3%.

- Khi cây ra hoa kết quả từ sau tháng 2 cho đến khi quả chín, điều tra thường xuyên, nếu phát hiện thấy triệu chứng bệnh thì dùng thuốc Ridomil 72 MZ nồng độ 0,2% để phun, tuỳ theo điều kiện thời tiết nếu trời có mưa hoặc đêm nhiều sương cần phun tiếp lần 2, cách lần 1 từ 7-10 ngày.

* Bệnh thán thư:Bệnh phát sinh gây hại trên lá, lộc non, trên các chùm hoa và quả.

Trên lá, bệnh gây hại từ đỉnh lá trở xuống hoặc từ mép lá trở vào, mô bệnh màu nâu, ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ có đường viền màu nâu sẫm.

Trên lộc non, mô bệnh có dạng thấm nước, sau chuyển màu nâu tối. Trên hoa và quả non, mô bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu đen sau phát triển loang rộng ra, có dạng hơi lõm. Bệnh nặng làm cho hoa và quả bị rụng.

Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện trời ấm và ẩm trong tháng 3 và 4, đặc biệt khi có mưa phùn trùng lúc cây đang ra hoa và hình thành quả non gây hiện tượng rụng hoa, rụng quả.

Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư:

- Tỉa cành tạo tán, cắt bỏ những cành tăm, cành vô hiệu tạo cho cây thông thoáng.

- Điều tra theo dõi vườn, đặc biệt khi thời tiết ấm và ẩm thấy bệnh xuất hiện thì tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc như Bavistin 50FL hoặc Benlat 50WP nồng độ 0,1%.

BBT