Nấm Linh Chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr) Karst thuộc họ nấm Lim (Ganodermataceae). Linh Chi là một loại có tính dược liệu, được mệnh danh là nấm thần dược và được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để chữa và điều trị nhiều loại bệnh. Theo Shiao và cs (1994), dùng nấm Linh chi có thể tăng khả năng miễn dịch và chưa được nhiều bệnh như: hen phế quản, huyết áp cao, mỡ trong máu, chống lão hóa, co thắt tim, an thần, đau nhức xương, phòng ngữa bệnh ung thư, tốt cho hệ tiêu hóa,hệ bài tiết.
1. Thời vụ nuôi trồng
- Giống nấm linh chi có thể được nuôi trồng thích hợp từ tháng 8 dương lich đến tháng 4 dương lịch năm sau.
2. Nguyên liệu
- Nguyên liệu được sử dụng chủ yếu là mùn cưa tươi, khô của các loại gỗ mềm, không có tinh dầu và độc tố. Ngoài ra ta còn có thể trồng trên thân gỗ, các cây thuộc họ thân thảo.
3. Tiến hành
(1) Xử lý nguyên liệu: Đổ mùn cưa ra nền sạch, sau đó dùng bình ô doa tưới đều nước vôi trong, vừa tưới, vừa đảo (với tỷ lệ 1 kg mùn cưa khô trộn với 1,2 lít nước). Sau khi tưới đủ nước, dùng xẻng đảo đều từ 3 - 4 lần rồi ủ thành đống, che đậy bằng nilon để mùn cưa ngấm đủ nước.
- Thời gian ủ mùn cưa từ 3 - 5 ngày.
(2) Phối trộn, đóng túi nguyên liệu
- Nguyên liệu được phối trộn với công thức: mùn cưa66,0%+ bột ngô 5% + cám gạo 5% + 0,5% đường sucrose+ bột CaCO3 1%
- Độ ẩm nguyên liệu: 60 - 65%
- Dùng xẻng hoặc máy đảo trộn đều, đóng vào túi theo kích thước trên sao cho trọng lượng túi đạt từ 1,3 - 1,4 kg đưa vào hấp khử trùng.
(3) Hấp khử trùng: Hấp cách thủy ở nhiệt độ 100o C, thời gian kéo dài từ 4 – 6 giờ hoặc hấp khử trùng bằng nồi hấp áp lực (Autoclave) ở áp suất 1,2 -1,5 atm trong thời gian 2,5 - 3,0giờ.
(4) Cấy giống
* Yêu cầu đối với phòng cấy:phòng cấy phải sạch, thoáng mát. Trước khi cấy phải thanh trùng phòng cấy bằng cách phun foocmol (0,5 %) hoặc đốt lưu huỳnh rồi đóng kín cửa từ 12 - 24 giờ. Mở cửa để sau 24 giờ cho bay hết mùi mới được vào cấy.
* Dụng cụ cấy:Hộp cấy bằng gỗ hoặc inox, khay cấy, que cấy, đèn cồn, lọ đựng cồn, bông. Giống cấp hai, một chai giống cấy chuyển sang khoảng 35 – 40 bịch nguyên liệu.
* Thao tác cấy:
- Dùng bông cồn lau sạch bên ngoài chai giống, dụng cụ cấy và hộp cấy.
- Đốt que cấy trên ngọn lửa đèn cồn 2 đến 3 lần, mỗi lần 2 - 3 phút.
- Để que cấy nguội, mở nút chai giống từ từ trên ngọn lửa đèn cồn, khều bỏ lớp giống trên bề mặt chai giống. Đặt chai giống nằm nghiêng trên khay cấy.
- Mở nút bông của túi nguyên liệu từ từ cạnh ngọn lửa đèn cồn.
- Cấy khoảng 7 - 10 g giống vào bề mặt túi nguyên liệu, đậy nắp bông lại.
(5) Ươm bịch nuôi sợi nấm
- Nhà ươm sợi phải sạch sẽ, thông thoáng, độ ẩm từ 65 % - 80 %, ánh sáng yếu, ở nhiệt độ 25oC, có tầng giàn để xếp bịch và tận dụng diện tích
- Sau 20 - 25 ngày sợi nấm mọc được 1/3 - 1/2 bịch nấm, có sự hình thành quả thể ở miệng nút bông, ta phải tiến hành nới nút bông ở cổ nút chỉ để lại 1/5 lượng bông nút ban đầu cho nấm mọc qua cổ nút.
- Trong quá trình sợi nấm phát triển nếu thấy có bịch nấm bị nhiễm cần phải loại bỏ ngay khỏi khu vực ươm tránh lây sang các bịch khác.
(6) Chăm sóc, thu hái
- Nhà trồng nấm phải đảm bảo sạch sẽ thông thoáng, nhiệt độ từ 22 - 25oC, độ ẩm không khí đạt 80 – 90 %, ánh sáng khuyếch tán (mức độ đọc sách được) và chiếu đều từ mọi phía.
- Tưới phun sương nhẹ vào mặt trên mũ quả thể mỗi ngày từ 1 - 3 lần (tùy theo điều kiện thờitiết).
- Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên vành mũ quả thể không còn nữa. Màu sắc mũ nấm và chân nấm có màu đồng nhất (màu nâu bóng) là đến tuổi thu hái được.
- Thu hái: dùng dao hoặc kéo sắc cắt chân nấm sát bề mặt cổ nút. Vết cắt được bôi nước vôi sau khi thu phần chân và cánh nấm.
- Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô, sấy ở nhiệt độ 45 – 55oC. Độ ẩm của nấm khô dưới 13 %, tỷ lệ khoảng 3 kg tươi được 1 kg khô.
BBT