Dưa lưới được các thương lái đến tận vườn thu mua
Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, trong những năm qua trên địa bàn huyện Tân Yên có nhiều tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu là cựu chiến binh Thân Văn Cảnh ở thôn Húng, xã Liên Sơn.
Năm 1992, ông Cảnh xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu bắt tay vào làm kinh tế, do không có kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi nên gặp nhiều khó khăn. Với bản chất cần cù chịu khó, ham học hỏi, đam mê làm nông nghiệp nên ông Cảnh đã đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều địa phương trong huyện, trong tỉnh và bắt tay vào chăn nuôi gà, lợn, ngan, trồng cây ăn quả
Ông cho biết, trước gia đình nuôi gà đẻ trứng, trồng cây ăn quả, hoa, bưởi diễn cảnh… phục vụ tết, với sựu đam mê ông đã từng ghép thành công cây ngũ quả phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày tết, cây nhỏ nhất cũng được giá từ 800.000-1.000.000 đồng, những gốc to có giá vài chục triệu đồng.
Từ năm 2020, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên hỗ trợ xây dựng khu nhà lưới với diện tích 2.000m2 nên ông Thân Văn Cảnh chuyển sang trồng dưa lưới, dưa chuột… Hiện tại, ông vừa thu hoạch xong vụ dưa lưới thứ 2 trong năm, trên diện tích nhà lưới 1.000m2, với giá bán theo hợp đồng là 32.000 đồng/kg,được các thương lái ở Bắc Ninh thu mua, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Cảnh cho biết, “trồng dưa lưới khoảng 80 ngày là được thu hoạch. Một năm có thể trồng tối đa 3 vụ nhưng thích hợp nhất là vụ Xuân và Hè. Khi đó, thời tiết khí hậu thích hợp cho cây thụ phấn và đậu quả, cần chú ý phòng trừ nấm bệnh cho cây dưa”.
Qua các vụ gia đình đã trồng nhiều giống dưa khác nhau, nhận thấy trồng dưa chuột baby cho hiệu quả hơn cả. Nhưng với niềm đam mê, muốn tìm hiểu và trồng các loại giống khác nhau để đưa ra sự so sánh để chọn giống phù hợp nhất với diện tích 1.000 m2 nhà lưới còn lại, gia đình đưa vào trồng giống dưa lê Hàn Quốc, dự kiến khoảng rằm tháng 8 cho thu hoạch. Có những lúc có thể thua lỗ nhưng vẫn thích và không bỏ cuộc, ông Cảnh tâm sự.
Không chỉ đam mê với cây trồng, ông còn nuôi lợn, gà đẻ trứng, gà thương phẩm…. Theo tính toán của ông Cảnh, khoảng hơn 1 tháng nữa với đàn ngan 500 con ở giai đoạn đẻ rộ, mỗi ngày có 370 quả trứng bán cho lò ấp, với giá bán 7.500 đồng/quả, trừ chi phí mỗi ngày lãi từ 1-1,5 triệu đồng. Vào thời điểm này năm trước giá trứng ở mức 10-12 nghìn đồng/quả thì người chăn nuôi được lãi rất cao. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên cũng ảnh hưởng lớn tới người chăn nuôi, khiến đầu ra cũng phần nào gặp khó khăn hơn.
Cũng theo ông Cảnh, ngan dễ nuôi, nhanh lớn, trung bình nuôi khoảng 7 tháng là đẻ bói, sau đó cho khai thác trứng liên tục trong vòng 8 tháng, tỷ lệ đẻ trung bình đạt từ 60-70%. “ Nuôi ngan lấy trứng vừa nhàn lại cho hiệu quả kinh tế cao, trứng thì có thương lái đến tận nhà thu mua. Không giống như nuôi ngan thương phẩm, nuôi ngan lấy trứng khi không khai thác trứng, bán ngan bố mẹ cũng được giá”.
Không chỉ đam mê với làm nông nghiệp, cựu chiến binh Thân Văn Cảnh còn nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội, giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên khác. Mặc dù đã ngoài độ tuổi lao động nhưng ông vẫn là một điển hình trong phát triển kinh tế, mạnh dạn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, chị Đỗ Thị Quyên- Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên nhận xét.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)