Cây giảo cổ lam

Giảo cổ lam là một cây thuốc quý có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Có khả năng chống oxi hóa tế bào, làm thuốc hạ Cholesterol, thải độc trong cơ thể, chống viêm gan, chứng cao huyết áp, tim mạch, ho hen, viêm khí quản mạn, đau đầu, mất ngủ, đau nửa đầu, đái tháo đường. Giảo cổ làm kìm hãm sự tích tụ tiểu cầu, làm tan cục máu đông, chống huyết khối, tăng cường lưu thông máu lên não và kìm hãm sự phát triển của khối u.

1. Chọn giống, nhân giống

- Chọn giống: Hiện nay ở nước ta có 3 loại giống giảo cổ lam, đó là giảo cổ lam 3 lá, giảo cổ lam 5 lá, giảo cổ lam 7 lá… Các loại này đều chủ yếu thu hoạch trong tự nhiên để sử dụng làm dược liệu. Trong đó giống giảo cô lam 5 lá là loại quý hiếm, có chất lượng tốt và được sử dụng nhiều nhất.

- Nhân giống:Chủ yếu dùng phương pháp giâm hom để nhân giống. Hom giâm sau 15 – 20 ngày thì ra rễ. Sau 30 ngày kể từ khi giâm hom có thể xuất vườn ươm để trồng. Cây giống đạt tiêu chuẩn có mầm cao khoảng 10 – 15 cm, mập, không bị sâu bệnh, bộ rễ khỏe mạnh.

2. Chuẩn bị trồng

- Thời vụ:Cây giảo cổ lam thường được trồng vào 2 đợt: Đợt 1 giâm hom vào tháng 2, 3 sẽ trồng vào tháng 3, 4; đợt 2 giâm hom vào tháng 9, 10 sẽ trồng vào tháng 10, 11.

- Mật độ trồng:Mật độ trồng tùy vào độ màu mỡ của đất trồng cây giảo cổ lam. Đối với đất xấu nên trồng với mật độ 500.000 cây/ha trồng khoảng cách 20 x 10 cm. Đất tốt trồng mật độ 250.000 cây/ha trồng khoảng cách 20 x 20 cm.

- Làm đất:Đất trồng cần đảm bảo độ ẩm, chất đất tốt, có thể trồng dưới tán cây. Đất được làm kỹ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại, đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô. Đất làm xong tiến hành lên luống cao 15 – 20 cm, mặt luống rộng 80 – 100 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm, chiều dài luống tùy vào quỹ đất trồng.

3. Cách trồng và chăm sóc

- Cách trồng:Khi cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn ươm, đánh trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Nhẹ nhàng xé bỏ vỏ bầu, đặt cây sao cho rễ thẳng đứng trong lòng hốc, tránh cong rễ lên phía trên, lấp đất kín cổ rễ sâu 2 cm. Ấn chặt đất quanh gốc. Cần tưới nước ngay sau khi trồng. Sau 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những cây chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.

- Chăm sóc:

          + Thường xuyên làm cỏ, tưới nước đủ ẩm và tránh không để cây bị ngập úng khi có mưa. Điều chỉnh giàn che 30 – 40% ánh sáng.

+ Chăm sóc lần 1 (sau trồng 25 – 30 ngày) xới đất, làm cỏ, làm giàn cho cây leo bám bằng tre hoặc cành cây. Chăm sóc lần 2 (sau trồng 80 – 90 ngày) xới đất, vun gốc, làm sạch cỏ, gia cố lại giàn leo để cho cây leo lên giàn theo luống định sẵn.

+ Phân bón tính cho 1 ha/năm: 10 - 15 tấn phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục, phân vi sinh) + 400 kg phân Ure + 500 kg Supe lân + 200 kg Kali.

+ Phương pháp bón phân cho cây giảo cổ lam: Bón lót (khi tiến hành làm đất) toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân lân; Bón thúc lượng phân còn lại chia đều làm 6 lần bón thúc/năm: Lần 1 sau trồng 20 ngày, lần 2 sau trồng 40 ngày, lần 3 sau trồng 60 ngày, lần 4 sau trồng 80 ngày (sau thu lần 1), lần 5 sau trồng 140 ngày (sau thu lần 2), lần 6 sau trồng 200 ngày (sau thu lần 3).

4. Thu hoạch

- Cây giảo cổ lam thuộc dạng cây dài ngày, trồng một lần cho thu hoạch 2 – 3 năm, sau khi trồng 5 – 6 tháng bắt đầu thu hoạch dây để sơ chế. Thời gian thu hoạch lần 2 sau 8 tháng đến 1 năm tuổi. Bộ phận sử dụng là toàn bộ phần lá, thân trên mặt đất khi thu hoạch tiến hành cắt theo đám để trẻ hóa cây và để lại phần gốc khoảng 40 cm.

- Sau khi thu hoạch và làm sạch cần đưa vào sơ chế để chế biến ngay. Tùy theo chất lượng và yêu cầu của từng sản phẩm khác nhau mà kỹ thuật chế biến khác nhau. Có thể để vào bóng râm, nơi khô ráo; cắt đoạn 2 – 3 cm, phơi khô trong nắng nhẹ, bảo quản trong bao kín, nơi khô ráo, thoáng mát hoặc có thể phơi sao khô, chờ tiêu thụ.

BBT