Cây khổ sâm còn có tên gọi khác là cây khổ sâm cho lá, khổ sâm Bắc bộ, cây cù đèn, cây co chạy đón (dân tộc Thái)… Lá khổ sâm có vị đắng, tính bình, hơi độc. Tác dụng nổi bật của khổ sâm là điều trị đau bụng, đi ngoài do kiết lỵ. Ngoài ra cây khổ sâm còn là một vị thuốc điều trị bệnh viêm đại tràng rất hay. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ công dụng và một cách trồng cây khổ sâm.

1. Công dụng

Theo y học cổ truyền, lá khổ sâm cho lá có vị đắng ngọt, hơi chát, mùi hắc tính mát có tác dụng sát khuẩn, thanh nhiệt, tiêu độc. Ngoài ra khổ sâm cho lá còn có nhiều tác dụng khác như: chống nấm, kháng sinh, lợi niệu, kháng khuẩn, đau bụng đi ngoài, rối loạn nhịp tim, tăng lượng bạch cầu…

Một số bài thuốc điều trị bệnh từ lá khổ sâm:

- Viêm loét dạ dày, tá tràng: Ngày dùng 12 – 24g. Hoặc dùng lá sắc đặc lấy nước rửa chữa nơi ngứa, mụn nhọt, lở loét. Nếu bị chốc đầu thì dùng nước sắc để rửa hoặc giã lá tươi để đắp.

- Chữa bệnh kiết lỵ, đau bụng đi ngoài:Lá khổ sâm, lá phèn đen mỗi thứ một nắm, sắc uống.

 - Chữa loạn nhịp tim:Bài thuốc khổ sâm long thảo chứa khổ sâm chủ trị loạn nhịp tim, thanh tâm hỏa. Khổ sâm 30g, ích mẫu 30g, chích thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Cho 600ml nước sắc còn 200ml chia uống 3 lần trong ngày.

- Điều trị vẩy nến: Khổ sâm 15g, huyền sâm 15g, kim ngân 15g, sinh địa 15g, quả ké 10g, tán bột làm thành viên, ngày uống 20-25g.

- Chữa khắp mình nổi mẩn ngứa: Lá Khổ sâm, lá trầu không, lá đắng cay nấu lấy nước xông và tắm rửa.

- Trị tử cung sa: Khổ sâm 10g, phèn phi 25g, bồ công anh 10g, thổ phục linh 10g. Sắc lấy nước rửa âm đạo, cách ngày làm 1 lần.

- Trị âm đạo lở ngứa: Khổ sâm, phòng phong, lộ phong phòng, chích thảo. Lượng bằng nhau, sắc lấy nước rửa.

2. Cách trồng

- Thời vụ: tốt nhất nên trồng từ tháng 2-3, với khoảng cách 1m x 1m (Mật độ 10.000 cây/ha)

- Chọn giống: Khổ sâm có thể trồng bằng cách gieo hạt xuống đất hoặc giâm hom bằng cành.

- Đất và cách trồng:Khổ sâm không kén đất nên có thể trồng trên mọi loại đất, có thể là đất thịt hoặc đất pha cát, nơi tưới tiêu thuận lợi. Tránh vùng bị úng ngập.

Cây khổ sâm sinh trưởng cực kì mạnh và không bị sâu bệnh nên không cần phải tiến hành chăm bón nhiều. Tuy nhiên để đạt được năng suất cao và chất lượng lá tốt cần bón thúc cho cây trong thời kỳ cây sinh trưởng mạnh (hè – thu). Bón cây bằng nước phân chuồng, nước giải hay đạm pha loãng tưới vào quanh gốc cây.

3. Thu hoạch:

          Khổ sâm có thể cho thu hoạch lá quanh năm, trừ mùa cây rụng lá. Thu lá về phơi hay sấy nhẹ đến khô, dùng dần.

BBT