Ảnh: cây kim ngân hoa 

1. Chăm sóc

- Trồng kim ngân cần phải làm giàn cho cây. Là cây có phần thân cành rất phát triển nên sử dụng vật liệu làm giàn cần lựa chọn cọc tre hoặc vật liệu bền. Sau khi trồng được 30 - 45 ngày bắt đầu làm giàn cho cây kim ngân, nên làm giàn kiểu chữ A, giàn có thể sử dụng được 1 - 2 năm và dễ chăm sóc cũng như thu hoạch.

Vật liệu làm giàn là tre, nứa, luồng và cây hóp.

Chọn loại nưa, hóp có đường kính khoảng 3cm để làm giàn, hoặc tre luồng chẻ thành từng thanh có bề rộng 3-4cm, chiều dài mỗi thanh khoảng 1,6m vót nhọn 1 đầu để cắm xuống đất.

Cắm các thanh tre nứa chéo nhau tạo thành hình chữ A, độ chìm sâu xuống đất khoảng 20cm, điểm giao nhau giữa hai thanh chéo nằm ở khoảng chiều cao 1,2m, hai thanh trên cùng một dãy cách nhau 20cm. Dùng dây vải để cố định các điểm giao nhau giữ cho giàn không bị sô lệch. Ở khoảng chiều cao 01m, cố định bằng các thanh dọc để giàn không bị xô ngang.

Chiều cao của giàn khoảng 1,3-1,4m là vừa, không làm giàn quá cao gây nên sự tốn kém vật liệu và khó khăn trong quá trình thu hoạch sau này.

Làm cỏ: Nên thực hiện thường xuyên để ruộng luôn sạch cỏ và hạn chế được tốc độ sinh trưởng, lây lan của cỏ dại. Không sử dụng thuốc diệt cỏ để phun trừ cỏ, cỏ dại được nhổ bằng tay để đảm bảo an toàn sinh học cho dược thảo kim ngân.

Xới xáo: Kim ngân có nhiều rễ tơ ăn nổi, nên việc xới xáo cũng không cần làm để tránh tổn hại đến bộ rễ cây. Thường xuyên vét rãnh để thoát nước. Dùng rơm, rạ giải trên mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Sau mỗi lần thu hoạch thường xuyên làm cỏ, vét rãnh để thoát nước kết hợp với bón phân.

- Cần tưới nước để luôn giữ ẩm cho ruộng, nhất là trong thời kỳ khô hạn. Có thể dùng ô doa tưới nước lên mặt luống. Nếu điều kiện thuận lợi có thể sử dụng phương pháp tưới ngấm. Không nên để nước tồn đọng ở rãnh, khi trời mưa cần khơi rãnh và tiêu hết nước trong rãnh. Nếu thời gian khô hạn kéo dài có t hể 10-12 ngày tưới ngấm một lần.

- Chú ý: Vào tháng 5-6 thường có mưa lớn độ ẩm cao, nhiệt độ cao, ruộng cần được làm sạch cổ và thoát nước tốt để không bị úng.

2. Phòng trừ sâu bệnh

- Thường xuyên thăm đồng để theo dõi tình hình sinh trưởng của cây. Theo dõi tốc độ sinh trưởng của cây để xác định việc bổ sung dinh dưỡng và nước cho từng giai đoạn phù hợp.

- Sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để quản lý sâu bệnh hại trên ruộng kim ngân, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt không sử dụng thuốc có nguồn gốc hóa học và các thuốc bị cấm.

Cây kim ngân chủ yếu bị các loại sâu ăn lá (sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá) phá hại. Cần kiểm tra ruộng kim ngân thường xuyên để phát hiện sâu kịp thời. Ở các ruộng trồng kim ngân với diện tích nhỏ, biện pháp tốt nhất là cắt và hủy bỏ tất cả các lá có trứng và các ổ sâu non. Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ sau: Hoạt chất Abamectin (Ví dụ Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); Chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP). Hiệu quả phòng trừ tốt nhất khi phun thuốc ở giai đoạn sâu non tuổi nhỏ.

Lưu ý: Ở những ruộng trồng kim ngân nhiều năm với diện tích lớn, cần chủ động phun phòng trước khi ra hoa vào tháng 4 - 5 và tháng 7 - 9, tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn trên nhãn mác.

BBT