Hình ảnh:Sâu xanh da láng
*Đặc điểm hình thái - sinh học
Sâu xanh da láng tên khoa học là Spodoptera exigua, Họ: Noctuidae, Bộ: Lepidoptera, có vòng đời từ 30 - 40 ngày.
Trưởng thành (5-7 ngày): là bướm màu nâu, có đốm vàng ở giữa cánh. Các cánh trước có màu xám và nâu lốm đốm; các cánh sau có màu xám hoặc trắng đồng đều hơn và có một đường đậm ở rìa. Bướm có kích thước vừa phải, sải cánh từ 25 - 30 mm, hoạt động mạnh về đêm.
Trứng (4-5 ngày): được đẻ thành từng ổ từ giữa lá đến ngọn lá tỏi, mỗi ổ từ 50-100 trứng, ổ trứng được phủ bởi một lớp vẩy trắng lợt bên ngoài. Một con trưởng thành có thể đẻ 3-4 ổ trứng/ lá.
Sâu non (16-21 ngày): có 5 tuổi. Sâu tuổi 1 sau khi nở chui vào bên trong ống tỏi ăn phần thịt lá, qua tuổi 2-3 chúng phân tán sang các lá xung quanh. Sâu non có màu xanh bóng giống màu lá tỏi, sâu lớn chuyển màu xanh vàng, nhẵn bóng, ít lông tơ, trên lưng có 5 sọc. Sâu non mới nở phá tập trung nhưng sau phân tán. Sâu phát triển đẫy sức dài 12-15 mm. Sâu hóa nhộng trong đất, chúng thường chui vào tàn dư hoặc lá khô để hoá nhộng.
Nhộng (5-7 ngày): nằm trong đất, có màu vàng nâu, cuối bụng có 2 gai nhỏ, phía trên lưng có 2 gai nhỏ khác.
*Tập quán sinh sống và cách gây hại
Sâu xanh da láng thường phát triển và gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn. Ban đêm sâu gây hại mạnh, còn ban ngày khi nắng nóng sâu thường chui xuống đất. Sâu gây hại bằng cách cạp nhu mô lá từ bên trong, làm lá mất chất diệp lục, giảm khả năng quang hợp làm bụi tỏi còi cọc. Sâu mới nở sống tập trung ăn các phần non của cây; sâu tuổi lớn ăn phá mạnh hơn, lá bị cạp thủng lỗ chỗ, gãy gập, đứt ngọn. Sâu thải phân bên trong ống lá.
Nếu không phát hiện sớm và diệt trừ kịp thời, sâu sẽ tích lũy số lượng rất nhanh cắn phá rất mạnh, làm cho thân bị khô héo, chết, xơ xác, cả bụi tỏi trở nên vàng úa, còi cọc, cả ruộng hành bị trắng xoá, tàn lụi.
BBT