Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tân Yên triển khai mô hình nhân rộng ứng dụng Chế phẩm vi sinh EMUNIV và bổ xung phân bón hữu cơ cho cây vải thiều sau thu hoạch tại huyện Tân Yên, với quy mô 20 ha, bước đầu cho kết quả khả quan.

Theo tính toán, khối lượng lá, cành, nhánh, quả rụng, cuống quả... do đốn tỉa cây vải sớm sau thu hoạch là khá lớn, ước tính 15 kg khô/cây (khoảng 6 tấn/ha). Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ- Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các phế phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch trong điều kiện thuận lợi có thể phân huỷ thành mùn hữu cơ chiếm 20-30% trọng lượng. Như vậy, với 01 ha phụ phẩm của cây vải sau thu hoạch nếu xử lý tốt có thể đem lại 1,2 - 1,8 tấn mùn hữu cơ bổ sung cho đất, giúp cho đất tơi xốp và giữ ẩm đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển.


Sử dụng chế phẩm  EMUNIV giúp phân hủy nhanh những lá vải thiều, cành tăm khô, tạo  nguồn phân hữu cơ cho cây trồng

Trong điều kiện bình thường, chất hữu cơ sau đốn tỉa phân hủy rất chậm trong khoảng thời gian rất dài đó là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh trú ngụ và phát triển, nếu thu gom và đem đốt thì lượng dinh dưỡng tồn dư là rất ít, dễ bị rửa trôi, gây lãng phí tài nguyên, phát sinh khói, khí thải có hại cho con người và môi trường.

Do đó, sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv, bổ sung phân hữu cơ để tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất nhằm xử lý vườn vải thiều sau thu hoạch (cành vải, lá vải, quả vải rụng, cỏ dại,..) thành mùn (phân bón hữu cơ) để tăng độ phì, giữ độ ẩm vườn vải và cải tạo đất, hạn chế xói mòn, bổ sung dinh dưỡng cho cây vải để sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường;

Tham gia mô hình các hộ được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV để ủ lá vải thiều và cành tăm. Với 01 ha, dùng lượng chế phẩm vi sinh EMUNIV 8 kg; cám gạo hoặc bột ngô 50 - 60kg. Trộn Chế phẩm vi sinh EMUNIV với cám gạo hoặc bột ngô vãi đều trên diện tích cần xử lý.

Đối với chế phẩm vi sinh EMUNIV, rắc sau khi lá vải thiều đã khô. Thường xuyên giữ độ ẩm tại diện tích sử dụng chế phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật hoạt động, phân hủy xác hữu cơ. Rắc chế phẩm EMUNIV lần 1 sau khi lá khô với lượng 4kg/gốc; rắc lần 2 (sau khi rắc lần 1 là  45 ngày) với lượng 4kg/gốc.

Bên cạnh đó, các hộ lưu ý phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính trên cây vải thiều, như bọ xít nâu, sâu đục quả, rệp hại hoa, quả non, sâu đục thân cành, ngài chích hút, nhện lông nhung hại vải, bệnh mốc sương, bệnh thán thư…

Anh Lý Văn Bình, ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, hộ tham gia mô hình chia sẻ, “những năm trước gia đình phải mất rất nhiều công để thu gom và đốt phụ phẩm sau thu hoạch cây vải sớm, hơn nữa lại đốt lá cành khô ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, thậm trí còn bị cháy cây vải. Năm nay, tham gia mô hình, được cán bộ chỉ đạo mô hình hướng dẫn sử dụng chế phẩm EMUNIV, tôi nhận thấy, sử dụng chế phẩm giúp phân hủy nhanh những lá vải thiều, cành tăm khô, từ đó tạo thành nguồn phân hữu cơ dồi dào, đất quanh gốc tơi xốp, giữ ẩm lâu, thấy cây vải sinh trưởng khỏe, bộ lá xanh đẹp và giảm được các đối tượng sâu bệnh hại”.

Thực tế cho thấy, sử dụng chế phẩm vi sinh phân giải Xenlul phân giải nhanh tàn dư cây trồng tại vườn, chuyển hóa thành các chất dễ hấp thụ cho cây trồng, giúp làm sạch đất, tăng vi sinh vật hữu ích cho đất, kích thích bộ rễ phát triển giúp cây khỏe, từ đó tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh.

Chị Đỗ Thị Quyên, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên cho biết, “nhận thấy các hộ trồng vải sớm trên địa bàn huyện cắt tỉa cành sau khi thu hoạch thường thu gom đốt, đã làm mất đi một lượng phân hữu cơ lớn từ phụ phẩm nông nghiệp là rất lãng phí. Xuất phát từ thực tế trên, tôi đã có ý tưởng thực hiện đề tài Nhân rộng ứng dụng Chế phẩm vi sinh EMUNIV và bổ xung phân bón hữu cơ cho cây vải thiều sau thu hoạch tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Mô hình được thực hiện trong 2 năm (năm 2023-2024), đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi chỉ đạo các hộ rắc chế phẩm lần 1, khi lá vải và cành tăm đã khô, lần sau cách lần 1 là 45 ngày. Đến nay, qua thăm thực tế tại vườn, thấy hiệu quả tương đối tốt, các hộ tham gia mô hình rất hài lòng”.

Việc nghiên cứu, ứng dụng những biện pháp khoa học công nghệ tận dụng tốt các phụ phẩm lá vải thiều sau khi cắt tỉa, tạo tán giúp cải tạo đất trồng, bổ sung thêm nguồn vi sinh vật có lợi trong đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, nâng cao năng suất cho cây vải thiều, kiểm soát được sâu bệnh tồn dư trong các phụ phẩm sau thu hoạch, cải thiện môi trường canh tác và tận dụng tối đa lượng phụ phế phẩm trong sản xuất thành phân hữu cơ tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cũng giảm bớt chi phí phân bón trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp xu hướng nông ngiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay. Từ kết quả bước đầu của mô hình sẽ là cơ sở để bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất và chăm sóc cây vải sớm trên địa bàn huyện Tân Yên, bà Đỗ Thị Huyền- Phó Giám đốc Trung tâm DVKT nông nghiệp huyện Tân Yên cho biết.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/