Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn đã thực hiện hỗ trợ cho bà con trong huyện nhiều mô hình trong đó phải kể đến mô hình nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Diệp Văn Liên ở thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây ăn quả của gia đình để nuôi ba ba. Năm 2020, anh Liên đã mạnh dạn đầu tư nuôi 400 con giống, ba ba trơn, ba ba gai với đồng vốn eo hẹp, kỹ thuật, kinh nghiệm chưa có nhiều, chủ yếu anh học hỏi từ mạng internet cũng như từ các trang trại khác. Do đó, khi con ba ba bị dịch bệnh anh Liên lại không có kinh nghiệm quản lí ao nuôi ba ba chết không rõ nguyên nhân. Nuôi chưa nuôi được bao lâu mô hình đã thất bại. Chán nản nhưng không từ bỏ, đến năm 2021 anh Liên đã được Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn hỗ trợ gần 300 con giống ba ba Nam bộ và được các cán bộ khuyến nông chuyển giao khoa học kĩ thuật. Từ đó đến nay, việc chăn nuôi ba ba đối với anh Liên không còn vất vả như trước nữa, làm chủ kĩ thuật nuôi nên mô hình nuôi ba ba của anh Liên ngày một phát triển. Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình từ gần 300 con ba ba Nam bộ ban đầu, giờ đây trang trại gia đình anh Liên đã có 2.000 – 3.000 con ba ba với nhiều giống như baba trơn, ba ba gai, ba ba Nam Bộ ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Anh Liên cũng cho biết, trong thời gian tới gia đình sẽ sản xuất giống ba ba gai và còn giống ba ba Nam Bộ, phải đến năm 2025 gia đình anh mới có thể sản xuất con giống để cung cấp ra ngoài thị trường. Dự kiến trong những năm tới, trang trại ba ba của gia đình anh Liên có thể cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 40.000 ba ba giống và các loại ba ba thương phẩm ra ngoài thị trường.
Để vận hành tốt trang trại nuôi ba ba tránh rủi ro trong quá trình chăn nuôi, kiểm soát ao nuôi và đảm bảo an ninh cho khu chuồng trại. Anh Liên còn lắp đặt đầy đủ hệ thống camera theo dõi. Hệ thống chuồng trại được anh Liên thiết kế bài bản, kiên cố với gần 5.000 m2 mặt nước được phân thành các khu: khu sinh sản, đẻ trứng, nuôi úm riêng biệt; khu nuôi thương phẩm cho từng giống khác nhau và từng độ tuổi cũng phải nuôi nhốt riêng. Mỗi ao nuôi anh Liên đều thiết kế rộng khoảng 30m2 và sâu 1,2m và có hệ thống nước vào và nước ra thuận tiện trong quá trình thay nước cho ao nuôi.
Theo bà Lâm Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, mô hình nuôi ba ba thương phẩm của gia đình anh Liên thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn là mô hình điểm trong việc phát triển kinh tế từ nuôi con đặc sản của huyện Lục Ngạn. Sau 3 năm triển khai mô hình nuôi ba ba thương phẩm giống ba ba Nam Bộ gia đình anh Liên đã có nhiều kết quả nổi bật, ngoài việc làm chủ được các kỹ thuật nuôi ba ba, không chỉ dừng lại ở quy mô hỗ trợ nhỏ giờ đây gia đình anh Liên đã tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi ba ba mà còn mạnh dạn nuôi thêm nhiều giống ba ba khác nhau, ngoài cung cấp ba ba thịt anh Liên còn sản xuất thành công con giống chất lượng để cung ứng ra ngoài thị trường.
Mô hình nuôi ba ba Nam Bộ của gia đình anh Liên là một trong những mô hình có khả năng nhân rộng trên địa bàn huyện Lục Ngạn trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng vật nuôi mới ở Miền Bắc cũng như địa bàn huyện Lục Ngạn. Cho nên trước khi đầu tư chăn nuôi ba ba, bà con nắm bắt chuẩn các kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cũng như học hỏi kinh nghiệm của các chủ trang trại đã nuôi thành công trước đó.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)