Nếu như trước đây người chăn nuôi gia cầm thường thấp thỏm, lo lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh và bất ổn của thị trường thì nay với mô hình chăn nuôi gia công công nghệ cao (CNC) có liên kết đã đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho người nuôi.
Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi
Chăn nuôi gia cầm nhiều năm nhưng anh Hoàng Văn Ngọc, khối Quy Chính, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn luôn lo lắng vì đầu ra và giá cả thị trường bấp bênh. Tuy nhiên, cách đây hơn 2 năm, gia đình anh chuyển sang chăn nuôi gia công vịt thịt công nghệ cao liên kết bao tiêu sản phẩm cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Tham gia vào chuỗi gia công, gia đình anh được cung cấp từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo anh Ngọc, cái được lớn nhất khi tham gia vào chuỗi chăn nuôi gia công là người chăn nuôi được tiếp cận với phương thức chăn nuôi hiện đại, chuyên nghiệp. Nếu như trước đây nuôi vịt theo phương thức truyền thống thả đồng, vịt nuôi trong ao, kênh mương... thì nay vịt được nuôi trong chuồng kín, có quạt điều hòa. Mô hình có tính an toàn cao, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của công ty, người chăn nuôi sẽ hạn chế được rủi ro dịch bệnh và biến động thị trường, thu nhập ổn định hơn. Thời gian nuôi từ lúc nhập vịt giống (1 ngày tuổi) đến xuất chuồng khoảng 48 - 52 ngày. Trọng lượng vịt xuất chuồng bình quân khoảng 3,5 - 3,7 kg. Với diện tích 5.000m2, gia đình anh đầu tư 2 dãy chuồng, mỗi năm nuôi được 4 lứa vịt, mỗi lứa 10.000 con, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, điện nước, nhân công… mỗi con lãi khoảng từ 10.000 - 15.000 đồng. Như vậy tổng thu nhập của gia đình mỗi năm cũng được trên dưới 400 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của hộ anh Hoàng Văn Ngọc |
Sau hơn 2 năm nuôi theo hình thức này anh Hoàng Văn Ngọc chia sẻ thêm: so với chăn nuôi vịt truyền thống, nuôi vịt công nghệ cao cần quỹ đất, nguồn vốn đầu tư tương đối lớn, yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cơ sở vật chất bài bản. Nhưng sau khi đi vào quy trình chăn nuôi sẽ giải quyết được hầu hết khó khăn, như: dịch bệnh, thời tiết, giá thành mà chăn nuôi vịt truyền thống gặp phải. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn giống, lượng thức ăn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch, vịt được sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng..., nhờ đó đàn vịt phát triển nhanh, trọng lượng đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, chỉ sau 45 ngày đã đạt trên 3,3 kg/con, đủ tiêu chuẩn xuất bán; một năm có thể nuôi, xuất bán 4 - 5 lứa.
Chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao giúp cho các hộ chăn nuôi áp dụng đồng bộ giữa kỹ thuật chăn nuôi và thiết bị hiện đại, như: hệ thống cho ăn, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi… Qua đó, giúp cho người chăn nuôi dễ dàng theo dõi đàn vật nuôi, tính toán lượng thức ăn phù hợp với sự phát triển của đàn vịt, tránh việc lãng phí thức ăn gây phát sinh mầm bệnh, sản phẩm chăn nuôi có đơn vị bao tiêu ổn định, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Kiểm tra chất lượng thức ăn trong quá trình nuôi |
Hướng đi bền vững
Chị Trần Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Đàn cho rằng, chăn nuôi vịt thịt công nghệ cao là một hướng đi rất mới, tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để đi theo hướng chăn nuôi này người chăn nuôi cần có diện tích, nhân lực, vốn ban đầu và tuân thủ nghiêm các quy trình chăn nuôi. Công ty hỗ trợ hoàn toàn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng rằng với những ưu điểm vượt trội, mô hình chăn nuôi vịt thịt ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là hướng đi mới cho người dân, nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững./.
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)