Vụ Chiêm Xuân 2023- 2024, toàn tỉnh gieo trồng 65.800 ha, trong đó, cây lúa 46.200 ha, năng suất dự kiến 60,5 tạ/ha; sản lượng 279.340 tấn, trong đó lúa chất lượng 23.100 ha. Cây ngô, 3.110 ha; năng suất 44 tạ/ha; sản lượng 13.670 tấn. Cây lạc, 5.330 ha; năng suất 26,9 tạ/ha; sản lượng 14.350 tấn. Khoai lang, 1.180 ha; năng suất 119 tạ/ha; sản lượng 14.000 tấn. Rau các loại, 7.200 ha, trong đó: diện tích rau an toàn là 3.700 ha (trong đó rau chế biến 800 ha). Cây khác, 2.780 ha (sắn, cây công nghiệp, cây dược liệu…).

Để sản xuất vụ Chiêm Xuân giành thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra 6 nhóm giải pháp tập trung thực hiện, cụ thể: Về cơ cấu giống, thời vụ: với cây lúa, chỉ đạo gieo cấy chủ yếu trà Xuân muộn (hạn chế trà Xuân sớm). Cụ thể, trà lúa Chiêm dầm và Xuân sớm chiếm 3% diện tích gieo mạ từ 15/12/2023 đến 01/01/2024, cấy xong trước tháng 2/2024, sử dụng các giốngnhư: Xi23, X21, Nhị ưu 838, Nếp Lang Liêu, Nếp chiêm....

Trà lúa xuân muộn chiếm 97% diện tích, tập trung gieo mạ từ 25/01/2024 đến 10/02/2024 cấy tập trung trong tháng 02/2024 và kết thúc trước 10/3/2024; đối với lúa gieo thẳng thời gian gieo từ 15/2 đến hến tháng 2/2024. Sử dụng các giống chủ lực như: giống lúa thuần KD18, TBR225, BC15, VNR20, Bắc thơm số 7, Nếp 97, Nếp 87... ngoài ra, các địa phương có thể sử dụng các giống mới có triển vọng như: Thanh hương 8, Đài thơm 8, TH8, BC15-02 kháng đạo ôn, các giống lúa Nhật đã gieo cấy trên địa bàn tỉnh cho năng suất ổn định; lúa lai gồm: TH 3-4, Thuỵ hương 308, Hương ưu 98, TH3-3, VT 404, BTE-1, Phú ưu 978, KHT 99...

Cây ngô, mở rộng diện tích các loại ngô thực phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, có thị trường tiêu thụ tốt và có giá trị kinh tế cao như: ngô nếp HN88, TBM 18, Nếp Thái, MX6, MX10, các giống ngô ngọt...; Đối với ngô tẻ lai, sử dụng các giống cho năng suất cao và ổn định như: CP999, NK4300, NK4300GT/BT, NK6253, HT119... Thời vụ gieo trồng từ 25/1 - 15/3/2024.

Trồng rải vụ, tăng diện tích rau trái vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế

Cây lạc, sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: L14, L26, L18... trồng xong trước tháng 3/2024. Tăng cường áp dụng phương pháp trồng lạc che phủ nilon; hoặc có thể sử dụng rơm rạ tại chỗ để che phủ giữ ẩm và tạo chất hữu cơ cải tạo đất.

Cây khoai lang, mở rộng diện tích trồng khoai lang chất lượng hàng hóa đang được thị trường nội địa và xuất khẩu ưa chuộng như: Hoàng Long, khoai Nhật, khoai lang tím… Kết thúc trồng trước ngày 10/3/2024.

Rau các loại, bố trí hợp lý giữa các loại rau ăn lá, ăn củ, ăn quả; căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau thực hiện trồng rải vụ, tăng diện tích rau trái vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cần thường xuyên theo dõi diễn biến dịch hại và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả; không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, đặc biệt là những giống lúa nhiễm nặng đạo ôn, rầy nâu; chủ động phòng trừ ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy, sâu cuốn lá... hại lúa. Tổ chức diệt chuột đồng loạt, trọng tâm, tập trung ngay từ đầu vụ, trước khi đổ ải.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong làm đất, gieo trồng và thu hoạch đặc biệt trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí và công lao động, tăng hiệu quả sản xuất; Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm,  đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển mở rộng các mô hình sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP có đủ năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chí số lượng, chất lượng, chủng loại rau để cung ứng vào các siêu thị, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp... tạo kênh tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch sản xuất của tỉnh và tình hình cụ thể của địa phương, sớm triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân 2023- 2024 linh hoạt, sát sao, kịp thời, hiệu quả.

Sở giao Chi cục Trồng trọt và BVTV, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở, các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân 2023- 2024. Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo; nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng, theo dõi diễn biến các đối tượng sinh vật hại trên đồng ruộng, chỉ đạo hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ kịp thời hiệu quả. Chủ động báo cáo, tham mưu các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Trung tâm Khuyến nông, thực hiện tốt công tác tập huấn, xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các mô hình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật mới có hiệu quả để các địa phương áp dụng, mở rộng…

Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản và Đoàn kiểm tra liên ngành Sở, tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương đảm bảo cung cấp đủ nước tưới thuận lợi cho sản xuất; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Sở, cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các hợp tác xã, vùng sản xuất tập trung. Tăng cường công tác kiểm tra các cở sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng vật tư cung ứng cho sản xuất.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/