Cây dổi vừa là cây lấy gỗ vừa cho thu hạt, đây là loài cây này mang lại lợi ích kép cho người trồng khi cả gỗ và hạt dổi đều mang lại giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, đây là loài cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc.

Nhằm giúp bà con phát triển kinh tế từ loài cây này, sau đây xin giới thiệu tới bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dổi.

Về thời vụ

Dổi thích hợp trồng vào vụ Xuân hay đầu vụ Hè từ tháng 3-6 đối với các tỉnh miền Bắc; vùng Bắc Trung bộ trồng vào tháng 10-11; vùng Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trồng vào tháng 6-8.

Chuẩn bị giống

Có thể dùng giống là cây dổi thực sinh và cây dổi ghép. Cả 2 loại cây này đều có điểm chung là: sức sống khỏe; ít sâu bệnh; phù hợp với nhiều địa hình và khí hậu khác nhau. Khác nhau là, cây dổi thực sinh được ươm từ hạt. Có thể ra hoa đậu quả sau 6 – 8 năm trồng. Nếu đất cằn, thời gian thu quả có thể chậm hơn. Tỷ lệ đậu quả đạt khoảng 95-98%, vẫn có cây không ra quả. Tuổi thọ cây có thể lên đến vài trăm năm. Chiều cao tối đa cây có thể lên đến 30m. Cây giống thực sinh giá rẻ hơn; vốn đầu tư thấp hơn.

Cây dổi ghép là cây có gốc thực sinh được ghép mắt từ những cây đã sai quả, sản lượng ổn định. Với những cây giống này, chỉ trồng 2,5 đến 3 năm là người trồng có thể được thu quả. Nếu đất nghèo dinh dưỡng, thời gian có thể lên 4 năm. Với cây giống này, tỷ lệ đậu quả là 100%. Tuy nhiên, cây dổi ghép chỉ có chiều cao khoảng 5 – 7m nên thu được ít gỗ. Tuổi thọ cây từ 25 – 30 năm.

Ngoài ra, sản lượng hạt của hai loại cây dổi thực sinh và dổi ghép cũng khác nhau. Cây thực sinh trong những năm đầu thu hoạch quả sẽ nhỏ, không được đẹp và thu hoạch được ít so với dổi ghép.

Tùy mục đích đầu tư, bạn có thể chọn cây dổi thực sinh hay cây dổi ghép để đạt được hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Chuẩn bị đất trồng

Giổi xanh ưa đất sâu ẩm, tốt, thoát nước. Nó mọc trên nhiều loại đất feralit phát triển trên gnai, micasit, phiến thạch sét, phiến thạch mica, macma axit.

Chúng thường sống hỗn giao với các loài như lim xẹt, ràng ràng mít, re, ngát (ở miền Bắc) hoặc với xoay, thông nàng, trám, vạng, giẻ (ở Tây Nguyên).

Cây ưa sáng, sinh trưởng tương đối nhanh, tái sinh hạt tốt. Cây non chịu bóng nhẹ.

Giổi xanh được trồng ở rừng nghèo kiệt (IIIa1), rừng non phục hồi (IIa) hay đất trảng cây bụi có cây gỗ rải rác.

Kỹ thuật trồng

Kỹ thuật trồng theo băng, theo đám, đảm bảo phát sạch và băm vụn thực bì. Hố trồng cây ở địa hình bằng phẳng kích thước 60x60x60 cm; ở địa hình dốc là 40x40x40cm. Thực hiện đào hố trước 1 tháng và lấp hố trước 15 ngày trồng cây dổi.

Chăm sóc

Năm thứ nhất: Phát quang thực bì, cỏ dại và dây leo xâm lấn sau khi trồng khoảng 3 tháng. Kết hợp với việc làm cỏ cũng cần xới đất xung quanh gốc cây khoảng 1m.

Năm thứ hai: Mỗi năm cần chăm sóc 3 lần. Vụ Xuân phát cây leo bụi; đầu mùa mưa vun gốc phạm vi 1m và bón phân NPK(5:10:3) lượng bón 200g/ cây; cuối mùa mưa phát quang thực bì dây leo, cây bụi.

Năm thứ ba: Cây dổi cần chăm sóc 2 lần. Lần đầu vào vụ đầu Xuân cần phát quang thực bì; dây leo và cây bụi xâm lấn. Lần thứ 2 làm những việc trên kết hợp xới gốc và bón NPK.

Cây trồng được 2 – 3 năm, nếu các cây trồng xen phát triển làm ảnh hưởng đến cây dổi, người trồng cần điều chỉnh lại mật độ các cây xen canh này.

Từ năm thứ 4, chỉ cần chăm sóc mỗi năm 1 lần bao gồm các việc: phát dây leo và cây bụi; bỏ cây sâu bệnh; chặt bỏ những cây tán lớn không mục đích.

Khi trồng dổi cần chú ý phòng sâu đục nõn và sâu ăn lá cả ở vườn ươm và ngoài rừng trồng; phòng ấu trùng xén tóc đục thân, xén tóc trưởng thành gặm vỏ, làm gãy cành, giảm sinh trưởng và làm chết cây; chú ý, sâu non đục ngọn làm gãy ngọn, giảm sinh trưởng của cây; phòng mối, dế…

Khi dổi cho thu hoạch, có thể nhặt quả quanh gốc hoặc dùng sào chọc cho quả rụng xuống. Quả phơi khô tách hạt bảo quản nơi khô ráo, khi sử dụng thì rang chín xay nhỏ./.

LHG(th)