Nấm rơm là một trong những loại nấm được đánh giá là lành tính, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Nấm có vị ngọt, mọng nước và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn. Ngoài ra, nấm rơm còn có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho cơ thể.

Để có thể trồng nấm rơm hiệu quả tại nhà, tạo nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cho gia đình, bà con cần thực hiện các bước sau:

Xử lý nước vôi

Nếu chọn cách làm nấm rơm bằng rơm rạ thì việc xử lý qua bằng nước vôi sẽ rất cần thiết. Bởi trong nguyên liệu này thường có các loại nấm dại và một số chất hữu cơ. Nước vôi sẽ khiến nấm dại bị tiêu diệt và phân hủy các chất hữu cơ. Khi đó, nấm rơm mới có được sự thuận lợi để hấp thụ dinh dưỡng và phát triển. Bạn cho rơm ngâm trong nước vôi (pha theo tỷ lệ cứ 4kg/1m3 nước) khoảng 1 tiếng. 

Cách ủ rơm hiệu quả

Sau khi ngâm nước vôi, bạn đem chất rơm lên từng khối và tưới nước. Cứ xong mỗi lớp lại chất thêm rơm và tưới. Khi đạt đủ chiều cao 1,5m và ngan 2m thì dừng lại. Sau mỗi tuần ủ rơm bạn lại đầu đều rơm theo chiều từ trong ra ngoài và ngược lại. Bạn cũng có thể cho thêm vôi bột vào để ủ rơm nếu muốn.

Quá trình ủ rơm bạn nên đặt thêm lớp vỉ ở phía dưới để tránh lớp rơm dưới cùng bị hư hỏng. Ngoài ra, bạn cũng cần đặt thêm ống thông hơi với khoảng cách 2m đặt 1 ống giúp đảm bảo rơm được chín đều. Xung quanh khối rơm cần có chân dậm.  Ở giữa chỉ cần dậm sơ là được. Khi ủ để tăng độ ẩm và giữ nhiệt cho khối rơm thì bạn nên phủ thêm lớp nilon hay lá chuối lên trên rơm.

Chọn meo giống

Trước khi ủ rơm cần chọn meo nấm tốt. Neo phải từ 13 – 16 ngày tuổi là lý tưởng nhất. Bên cạnh đó, phần meo giống phải có tơ nấm dày, có màu trắng của lông chim và tơ chạy thẳng, ăn kín phần đáy. Cùng với đó, meo giống cũng phải có mùi thơm nhẹ, không chua, không bị nhão hay đáy ẩm ướt hoặc có các đốm lạ.

Sắp xếp mô và rắc meo giống hợp lý

Các cách để sắp xếp mô và rác meo khi trồng nấm rơm tại nhà

Có 2 cách để thực hiện xếp mô cũng như rắc meo giống khi tiến hành cách trồng nấm rơm tại nhà gồm:

– Cách 1: Bạn sóc nhẹ để làm tơi rơm. Sau đó, đem rơm đặt lên tấm liếp và tưới ẩm. Tiến hành nén dẽ rơm thành các luống. Lớp rơm đầu tiên có kích thước rộng khoảng 50cm và cao khoảng 20cm. Tiếp theo, bạn rải meo giống ở 2 bên luống với khoảng cách với rìa từ 5 – 7 cm. Lặp lại thao tác như trên. Khi đến lớp rơm cuối cùng, bạn rải rơm với độ dày khoảng 4 – 5 cm. Chú ý, lớp này không cần rải meo mà tưới nước lên luôn. Thực hiện nén dẽ rơm và vuốt cho mặt ngoài rơm được bằng phẳng. Như vậy, nấm sẽ không bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch.

– Cách 2: Tiến hành tơi rơm đã được ủ chín và đem trộn với phân hữu cơ. Cho rơm vào sọt nhựa với đường kích 50 – 60cm và có đục lỗ. Nén dẽ rơm theo từng lớp rồi rải meo nấm lên. Mỗi lớp có bán kính khoảng 25- 30cm. Chú ý nén nhẹ ở quanh sọt để rơm có độ nảy tốt. Độ dày của các lớp rơm sẽ tùy theo mùa. Nếu mùa nóng thì rơm sẽ rải mỏng hơn để dễ thoát nhiệt. Nếu mùa lạnh thì độ dày tăng lên giúp chống thấm nước và giữ nhiệt.

Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm 

Để đảm bảo cách trồng nấm rơm hiệu quả, bạn cần chú ý cách chăm sóc sau:

– 3 ngày đầu khi cấy giống, bạn nên hạn chế tưới nước. Thay vào đó, bạn phủ nilon lên mô nấm để giữ ấm, tránh sáng và giữ nhiệt.

– Ngày thứ 4 – ngày thứ 8, bạn lấy lớp nilon ra, tiến hành cấp ẩm bằng cách tưới phun sương lên mô nấm. Chú ý duy trì nhiệt độ từ 35 – 38 độ C là tốt nhất.

– Ngày thứ 9  – 12, bạn tưới nước nhiều hơn khi thấy tơ sợi bắt đầu chuyển từ trắng đục sang màu trắng trong. Tức là tơ sợi đã ăn giá thể. Lượng nước sẽ nhiều hơn so với bình thường 1 chút.

– Ngày thứ 13 – 14, nấm sẽ xuất hiện đầu nhỏ như hạt gạo. Bạn vẫn tiến hành duy trì chế độ tưới như bình thường. Tuy nhiên, vòi tưới cần để cao hơn, nên để ngửa vòi để tơ nấm không bị đứt.

Thu hoạch nấm rơm

– Thường thì chỉ mất 10 – 14 ngày là có thể thu hoạch nấm rơm. Khi thu hoạch chỉ nên chọn 2 thời điểm trong ngày là trước 6h sáng và khoảng từ 14 – 15 giờ chiều. 

– Sau đợt thu hoạch thứ nhất thì khoảng 7 – 8 ngày sau nấm sẽ tiếp tục cho đợt thu hoạch thứ 2.

– Các đợt tiếp theo sẽ cách từ 3 – 4 ngày.

– Dừng thu hoạch sau mỗi đợt trồng là từ 25 – 30 ngày.

Quá trình thu hoạch nên chọn nấm còn búp với đầu hơi nhọn. Bạn chỉ cần xoay nhẹ cây nấm là có thể tách nó ra khỏi mô. Điều này cũng tránh để lại chân nấm, hạn chế nguy cơ thối rữa chân nấm. Sau khi hái cần đắp mô lại một cách cẩn thận.

LHG