Sáng 10-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chủ trì hội nghị cho kiến vào dự thảo Đề án Phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh (Phát triển thương hiệu) và Đề án Xây dựng và Phát triển sản phẩm chủ lực hướng tới đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia (Xây dựng sản phẩm chủ lực). Tới dự có đại diện lãnh đạo một số ngành của tỉnh.
Hai Đề án do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tham mưu soạn thảo cho UBND tỉnh. Trên cơ sở các chương trình, nghị quyết của tỉnh về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển một số loại nông sản của tỉnh, dự thảo Đề án Xây dựng sản phẩm chủ lực chọn 3 sản phẩm thế mạnh để xây dựng gồm: Vải thiều, gà và nấm.
Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020, tập trung ứng dụng tiến bộ KHCN trong chọn giống, sản xuất, bảo quản, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng giá trị đối với những sản phẩm này. Tổng kinh phí thực hiện gần 110 tỷ đồng. Dự thảo Đề án Phát triển thương hiệu đề ra mục tiêu tạo lập và phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm: Cam Lục Ngạn, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Yên Dũng, khoai sọ Khám Lạng (Lục Nam), khoai lang Bắc Lũng (Lục Nam), na Lục Nam, hành tía Tân Yên, rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa). Tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng.
Các ý kiến thảo luận, làm rõ một số nội dung của hai đề án và đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu, chi tiết cho phù hợp. Đáng chú ý là Đề án Xây dựng sản phẩm chủ lực cần có mốc thời gian thực hiện cụ thể với từng nông sản, cân nhắc việc chọn nấm vì sản lượng còn ít, có thể thay bằng cam và bưởi. Việc xây dựng 3 nông sản chủ lực hướng tới sản phẩm quốc gia cần có tiêu chí phấn đấu, giải pháp thực hiện rõ hơn. Sản phẩm quốc gia có quy mô sản xuất, sản lượng lớn và ổn định, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào chế biến và bảo quản sản phẩm.
Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh việc xây dựng Đề án Xây dựng sản phẩm chủ lực là phù hợp yêu cầu phát triển, đồng thời đón bắt cơ hội tham gia vào chuỗi các sản phẩm chủ lực của quốc gia. Đồng chí nhất trí chọn 3 sản phẩm trên để quan tâm xây dựng và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn về thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ hiện nay, hiệu quả đối với phát triển KT-XH của tỉnh, lộ trình thực hiện để đạt các tiêu chí sản phẩm chủ lực quốc gia. Về kinh phí thực hiện, cần quan tâm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&CN phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh sửa dự thảo để trình UBND tỉnh trong quý III năm nay.
Đối với Đề án Phát triển thương hiệu, có nhiều nội dung trùng với Kế hoạch 802/2014/KH-UBND ngày 2-4-2014 của tỉnh về phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản hàng hóa giai đoạn 2014-2020, vì vậy không cần thiết xây dựng Đề án mà bổ sung khi thực hiện theo Kế hoạch trên.
Theo BGTĐ
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)